A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể phủ nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

 

QPTĐ-Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Điều đó được các thể chế tài chính, ngân hàng, chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu khẳng định. Nhưng với bản chất thù địch, Đài châu Á Tự do (RFA) luôn đưa ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi đen hoặc tung hỏa mù nhằm phá hoại kinh tế Việt Nam. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, là động lực của nền kinh tế.

Tung hỏa mù về kinh tế Việt Nam

Ấn tượng với sự phục hồi kinh tế ngoạn mục của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu đã có những nhận định, đánh giá tích cực, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, hạn chế những rủi do, phát triển bền vững. Ngược lại điều này, RFA lại cố tình đưa ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tung hỏa mù kiểu: “Mức độ tin cậy của các con số thống kê kinh tế ở Việt Nam” nhằm bôi đen kinh tế Việt Nam. Đây là bài viết sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 7% năm 2022 trong bài viết: Việt Nam ngược dòng xu hướng tăng trưởng yếu ở châu Á.

RFA cho rằng, những số liệu thống kê của Việt Nam không đáng tin cậy, đó là sự tô vẽ cho đẹp. Để minh chứng điều này, RFA, đưa ra nhận địch của “một cựu quan chức cấp cao về kinh tế tài chính của một tổ chức quốc tế khác, xin không nêu tên” cho rằng “số liệu của Việt Nam cũng phải làm tôi đặt câu hỏi”. Thông thường, các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, chuyên gia kinh tế thường rất thẳng thắn khi nhận định, đánh giá một nền kinh tế. Điều đó không chỉ thể hiện trình độ, năng lực dự báo cũng như trách nhiệm đối với lĩnh vực hoạt động mà còn khẳng định uy tín, vị thế của tổ chức, cá nhân trước cộng đồng quốc tế. Vì vậy, khi đưa ra nhận xét, đánh giá về kinh tế của một quốc gia, họ không có lý do gì để giấu tên. Mặt khác, đối với một bài báo, ý kiến của một chuyên gia chỉ có ý nghĩa khi biết chuyên gia đó là ai, ở tổ chức nào. Vậy mà RFA lại đưa ra “một cựu quan chức cấp cao về kinh tế tài chính của một tổ chức quốc tế khác, xin không nêu tên”. Điều đó làm chúng ta phải đặt câu hỏi, “chuyên gia đó tên là gì?, đã từng làm “quan chức cấp cao” ở tổ chức kinh tế tài chính nào?”, hay là một phần tử phản động, chống phá Việt Nam, hoặc cũng có thể là một nhân vật trong trí tưởng tượng của RFA.

Ngay cả việc RFA nói rằng: “Tuần trước, RFA có đặt câu hỏi qua email với một trong những tác giả chính của bản báo cáo, TS. Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn Việt Nam và trợ lý Giám đốc Vụ Châu Á và Thái Bình Dương của IMF, về việc thẩm định những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam mà báo cáo dựa vào để xây dựng bản dự báo kinh tế nói trên. Tuy nhiên, RFA vẫn chưa nhận được câu trả lời” cũng cần đặt câu hỏi. Đó là “vẫn chưa nhận được câu trả lời” hay sẽ “không bao giờ nhận được câu trả lời” vì câu hỏi đó thật vô bổ, thậm chí còn xách mé, coi thường một tổ chức uy tín như Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Trước đó, RFA cũng có bài viết: “Kinh tế Việt Nam: Nghịch lý đằng sau GDP tăng trưởng cao”. Ở bài viết này, RFA cố tìm những điểm được cho là bất hợp lý trong các số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bằng lý lẽ mơ hồ, thiếu thực tế, không có số liệu chứng minh RFA cố tình gán ghép đó là những điểm “bất thường” của nền kinh tế. RFA cũng lấy những hiện tượng đơn lẻ như “nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh đồng loạt treo biển xả kho, giảm giá. Nhiều cửa hàng trong hệ thống này đồng loạt treo bảng "sốc, xả kho giảm đến 50%", thậm chí một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp” để cố chứng minh rằng sức tiêu dùng của Việt Nam giảm chứ không phải tăng. RFA liệu có biết, đây có thể là một “phương thức”, “chiêu trò” làm ăn của Bách hóa Xanh. Đấy là chưa kể hiện tượng trên chỉ là đơn lẻ, không thể phản ánh sức mua của cả một nền kinh tế.

Tóm lại, một điều có thể dễ dàng nhận thấy, RFA đang cố gắng “bới lông tìm vết”, “bới bèo ra bọ” nhằm tung hỏa mù, gây nghi ngờ về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu sâu xa hơn là gây nghi ngờ, mất niềm tin của nhân dân với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế phục hồi vượt mong đợi

Đó là khẳng định mới nhất theo ấn bản cập nhật báo cáo kinh tế mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 21 tháng 9. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng vào khoảng 6,5% trong năm nay (2022) và 6,7% vào năm sau (2023). Điều đáng nói, với mức tăng trưởng GDP này, theo các chuyên gia của ADB, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. “Từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi đáng kinh ngạc hậu Covid-19 với tốc độ vượt cả dự báo cũng như mong đợi của nhiều thể chế tài chính, ngân hàng, chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu”. ADB đánh giá, những cân đối vĩ mô vững mạnh tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi. Rủi ro từ lạm phát toàn cầu giảm nhẹ do áp lực của việc tăng chi phí toàn cầu dịu xuống, tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát giá cả hiệu quả và nguồn cung ứng lương thực trong nước bình ổn.

Trong khi đó, Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định: Quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Báo cáo của ADB nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể, tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020. Trong đó, tăng trưởng công nghiệp đạt 7,7%. Sản lượng ngành chế biến chế tạo đạt mức 9,7%. Công nghiệp đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP chung trong 6 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng xây dựng đạt mức 3,7%. Tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm ở mức 2,8%. Trong đó, sản lượng trồng trọt tăng 2,3%; lâm nghiệp tăng 5,0% do xuất khẩu các sản phẩm gỗ tăng lên. Đáng chú ý, theo báo cáo của ADB, trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng khu vực dịch vụ phục hồi trở lại đạt mức 6,6% từ 3,9% trong cùng kỳ năm 2021, nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu lượt khách. Lượng du khách trong nước cao hơn 1,9 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và gấp 1,3 lần so với con số trước đại dịch Covid-19.

Trong bài viết với tiêu đề "Việt Nam đi ngược chiều với xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á", Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ thúc đẩy ngành sản xuất tăng tốc, giúp ngành bán lẻ và du lịch phục hồi phát triển.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam được nâng lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Bà Jiak See Ng - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Tài Chính Deloitte châu Á-Thái Bình Dương cho biết: "Tôi có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển mới. Việt Nam có nền tảng vững chắc về chuỗi cung ứng. Việt Nam đang thu hút nhiều startup fintech bởi nguồn lực chất lượng cao và sáng tạo. Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, sự minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp ở cả khối tư nhân và nhà nước".

Lạm phát là một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của tất cả các nước. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu liên quan đến nhiên liệu và các dịch vụ vận tải. Còn người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng từ việc giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu. "Hiển nhiên là các nỗ lực bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự hiệu quả. Tác động của giá nhiên liệu tăng lên lạm phát ít hơn đáng kể so với các quốc gia khác", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá.

Những nhận định, đánh giá của các thể chế tài chính, ngân hàng, chuyên gia kinh tế hàng đầu quốc tế là minh chứng khẳng định cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam. Vì vậy, RFA có xuyên tạc, bịa đặt, tung hỏa mù như thế nào thì vẫn không thể phủ nhận được sự thật rõ ràng: Việt Nam đang phát triển đúng hướng.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ