A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô văn công với điệu múa “xòe bật lửa” giữa “lòng chảo” Điện Biên

QPTĐ-70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ký ức về những ngày tháng “tiếng hát át tiếng bom” của nữ văn công chiến trường 88 tuổi Ngô Thị Ngọc Diệp vẫn còn vẹn nguyên trong sâu thẳm trái tim. 

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp-Cựu văn công Đại đoàn 308.

Chiến trường-Sân khấu đặc biệt

Trong suốt cuộc trò chuyện, với nụ cười tươi cùng ánh mắt tự hào, bà xúc động: “Sẽ không có sân khấu nào đặc biệt như ở chiến trường Điện Biên Phủ của ta”. Tháng 6/1951, chưa tròn 15 tuổi, bà Ngô Thị Ngọc Diệp đã được tuyển vào Đoàn Văn công Đại đoàn 308 để phục vụ bộ đội trong các chiến dịch Hòa Bình rồi Tây Bắc. Đến cuối năm 1953, bà có mặt tại Điện Biên Phủ. 6 tháng đỏ lửa ở tiền tuyến, bà cùng các thành viên trong Đoàn Văn công hợp thành một “binh chủng đặc biệt” trong đội hình chiến đấu với nhiệm vụ giúp các chiến sĩ vơi đi mệt mỏi, đau đớn về thể xác, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của các anh và củng cố niềm tin vào thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc.

Giống như một cuốn phim mở chậm, từng mảnh ký ức về một thời được biểu diễn những câu hát, điệu múa, đóng các vở kịch ở chiến trường cứ hiện lên. Bà kể: “Tháng 12-1953, Đội văn công của tôi do Đội phó Đào Hồng Cẩm chỉ huy lên đường đi chiến dịch. Nhận được lệnh, chúng tôi chia thành từng nhóm hành quân lên Thái Nguyên. 

Là văn công nhưng chúng tôi được trang bị như một chiến sĩ xung kích, từ súng, lựu đạn, cuốc xẻng, 3-5kg gạo quấn ngang người, túi bông băng và một ống nước bằng tre. Vừa đi, chúng tôi vừa kể chuyện cho bộ đội nghe và bộ đội cũng lại kể chuyện cho chúng tôi nghe. Hành quân trong đêm nên tranh thủ lúc nghỉ 5, 10 phút, chúng tôi múa, hát động viên chiến sĩ. Khi ấy, chúng tôi biểu diễn mà không được thắp đèn hay bật lửa, các chiến sĩ chỉ cảm nhận câu hát dưới ánh trăng mờ mờ, bởi ai cũng hiểu nhiệm vụ hành quân phải tuyệt đối bí mật. Hồi ấy, tôi thường hát ca khúc “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành và các bài hát chiến sĩ sáng tác”.

Hơn một tháng trời hành quân trèo đèo, lội suối dưới bầu trời mưa bom, bão đạn của máy bay địch, mỗi ngày, bà và đồng đội hành quân từ 17 giờ chiều đến 2 giờ đêm mới được nghỉ. Lúc mệt quá, vô thức đâm vào người phía trước rồi lại bừng tỉnh. Những đoàn quân kéo lên Tây Bắc khi ấy không chỉ có bộ đội, văn công mà lực lượng dân công cũng đông không kém. Từng đoàn người nối đuôi nhau trùng trùng điệp điệp, bất chấp hiểm nguy của pháo đạn trên đầu. “Bộ đội truyền lửa cho chúng tôi và chúng tôi cũng truyền lửa cho bộ đội. Suốt con đường đi Chiến dịch, chúng tôi vẫn cười, vẫn nói để quên đi cái mệt nhọc. Bộ đội mà gặp văn công chúng tôi thì vui mừng lắm. Hỏi thăm nhau quê ở đâu, rồi dăm ba câu trêu đùa dí dỏm. Gặp được người cùng quê là sung sướng lắm, cảm giác như gặp được người thân của mình ở chiến trường”, bà Diệp bồi hồi kể.

Với quyết tâm bám sát chiến trường, vượt lên hiểm nguy giữa mưa bom bão đạn, Đoàn Văn công chia thành từng tổ phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào, phục vụ thương binh ở các lán trại cứu thương. Cứ có dịp là văn công lại hát, múa, đóng kịch cho chiến sĩ xem. Trong điều kiện ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường, một khoảng đất trống trong rừng, ngay tại giao thông hào, trong hầm, bãi cỏ dọn vội có thể là “sân khấu” để biểu diễn. Bộ đội ta giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về được nghe văn công hát, múa, biểu diễn kịch là vui lắm. 

Nói là diễn viên, nhưng trang phục, hóa trang của các nữ văn công khi ấy rất đơn giản: Lấy chăn làm váy, dùng giấy gói hương thay son, nhọ nồi để kẻ lông mày. Lúc ấy, mới học được điệu múa xòe hoa của đồng bào dân tộc Thái nên các thành viên trong đoàn đều nóng lòng được biểu diễn cho bộ đội xem. Điệu múa này đòi hỏi phải có đạo cụ, thế nhưng giữa chiến trường không thể tìm được. “Tôi chợt nghĩ ra ý tưởng lấy các nắp bật lửa xâu lại với nhau thành dây, rồi đeo vào tay, khi múa tạo ra âm thanh rất hay và lạ. Bộ đội thấy chúng tôi múa bằng nắp bật lửa thì rất thích thú, nên đặt tên cho điệu múa là điệu múa xòe bật lửa”. Nữ văn công kể về sự ra đời của điệu múa đặc biệt này.

Theo lời kể của bà Diệp, những chiến sĩ văn công thời ấy không được đào tạo bài bản, họ được lựa chọn vì có năng khiếu và xung kích lên đường phục vụ Chiến dịch. Để biểu diễn, họ phải học từ thực tế, hoặc tự sáng tác trên đường hành quân. Bà Diệp xúc động nói: “Thời kì ấy, những người trẻ như tôi không thể cảm nhận hết sự gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Chỉ đến khi ra chiến trường, nhìn những vết thương chằng chịt trên cơ thể các anh, người nữ chiến sĩ văn công như chúng tôi đã không cầm được nước mắt, từ đó càng hăng say luyện tập, quyết tâm đem lời ca tiếng hát của mình giúp các anh có thêm liều thuốc tinh thần xua tan những mệt mỏi, gian khổ. 

Khi chúng tôi biểu diễn, bộ đội kiếm được chỗ nào ngồi chỗ đó, nhiều khi ngồi ở gốc cây, hoặc trải lá rừng ra ngồi nhưng ánh mắt ai khi ấy cũng tràn ngập sự say sưa, thích thú, chẳng còn màng đến hiểm nguy khói lửa chiến tranh”. Với bà Diệp, đây là quãng thời gian bà cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả, cùng tinh thần quả cảm của bộ đội: Có thể ngã xuống hy sinh bất cứ lúc nào! Không chỉ đối mặt với kẻ thù, bom đạn mà còn phải vượt lên cả những suy tư, lo lắng của mỗi cá nhân trong lằn ranh sống chết để hoàn thành nhiệm vụ.

Những thanh niên như bà lên đường mang theo khí thế nhiệt huyết của tuổi đôi mươi. Bà nói: “Thanh niên như chúng tôi ngày ấy ai cũng hừng hực khao khát được lên đường phục vụ chiến đấu, tất cả vì chiến thắng của dân tộc. Có lẽ vì thế mà những khó khăn, gian khổ không là gì với chiến sĩ Điện Biên. Bữa cơm chiến trường khi đói, khi no, chỉ có nước mắm được cô đặc lại chúng tôi gọi là mắm kem, ăn với canh rau dớn, rau tàu bay là đã ngon lắm rồi. Mỗi khi đi qua những bản làng, đồng bào lại cho chúng tôi rau cải mèo và cả gạo nếp. Hậu phương của ta có vai trò rất quan trọng về cả tinh thần và vật chất cho tiền tuyến”.

Nhiệm vụ bất ngờ, đặc biệt

Không chỉ có những bước chân, mỗi câu chuyện được nữ văn công chiến trường kể lại còn có thêm vị mặn của mồ hôi, màu đỏ của máu, có cả những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người đi qua những năm tháng oanh liệt của chiến tranh và hòa bình. Khi Bộ Tổng Tham mưu thông báo chuẩn bị Chiến dịch tổng tiến công, Đoàn Văn công 308 nhận được một nhiệm vụ từ hậu phương đưa đến ngay trong đêm, đó là tất cả các đại đoàn đều phải có lá quân kỳ “Quyết chiến, quyết thắng”. “Tôi và đồng chí Phùng Đệ-đồng chí quay phim tại chiến trường được giao cho phụ trách nhiệm vụ quan trọng này. Quân kì phải có luân lưu của Hồ Chủ tịch, phải có ngôi sao vàng ở giữa, có chữ “Quyết chiến, quyết thắng” và có tua xung quanh. Giữa núi rừng thiếu thốn đủ thứ, dù hồi hộp và băn khoăn nhưng chúng tôi phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, bà Diệp nhớ lại.

Trong hoàn cảnh khó khăn, bà đã nảy ra ý tưởng dùng những cuốn băng cứu thương nhuộm thuốc ký ninh vàng, nhuộm và phơi khô nhiều lần cho lên màu vàng thật đẹp rồi cắt hình ngôi sao, rút sợi dọc bằng xô để làm chỉ khâu, rút ruột dây dù trắng để làm tua cờ. Do ăn uống thất thường, cuộc chiến ác liệt, gian khổ, lại bị sốt rét, tay run nhiều lúc rơi cả kim, bà vẫn cố gắng hoàn thành lá cờ đúng thời hạn để giao cho đơn vị xuất kích. Khoảng một tuần thì thêu xong lá cờ đỏ sao vàng có dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”, bà Diệp giao lá quân kỳ cho nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển đưa trực tiếp xuống hầm cho bộ đội.

Gần đến ngày tổng tiến công, Đoàn Văn công 308 của bà Diệp cùng với Đại đoàn 312, 316 được huy động đi làm đường cho xe tăng tiến vào Điện Biên Phủ. Những “nghệ sĩ” như bà Diệp đều trở thành dân công, cùng đồng đội gánh cát sỏi dưới suối lên đắp đường. Ngày 7-5-1954, bà Diệp vẫn nhớ như in khi đang gấp rút góp sức làm đường, bỗng có một chiếc xe chạy qua, người trên xe liên tục hét lớn “Chiến thắng, ta chiến thắng rồi!”. 

Bà Diệp xúc động nói: “Sướng lắm! Khi ấy chúng tôi không ai bảo ai đều ném cả quang gánh, cuốc xẻng xuống suối rồi chạy theo xe về phía trước. Hóa ra chiếc xe ấy chở viên Tướng De Castries bị bắt sống từ hầm chỉ huy. Trong đoàn chúng tôi có anh Vũ Hướng biết tiếng Pháp, anh chạy theo tiếp cận được chiếc xe và kịp nói với viên tướng đang ngồi trong xe vài lời. Cả đoàn chúng tôi nhảy múa tưng bừng, nam nữ đều ôm chầm lấy nhau vì quá vui mừng. Niềm vui chiến thắng đến bất ngờ, mọi cảm xúc đều dồn nén, lại nghe tin bắt sống được chỉ huy địch thì niềm vui không thể nào diễn tả thành lời”, bà Diệp xúc động nói.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Diệp cùng Đội Văn công Đại đoàn 308 được vào Sở chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng, biểu diễn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ chỉ huy chiến dịch xem. Từ khi nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Diệp không nhớ mình đã được biểu diễn bao nhiêu sân khấu cho bộ đội. Thế nhưng, lần được biểu diễn ngày 7/5/1954 tại Lễ mít tinh sau chiến thắng là sân khấu khiến bà nhớ nhất. Kể đến đây, bà Diệp bỗng hát vang: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/ Mặc trời mưa/ Mặc đường trơn/ Mặc đèo cao dốc đá…”. Nghe giọng hát khỏe khoắn, ánh mắt sáng lên niềm tự hào của bà, chúng tôi hiểu hơn “chất lính” của người nữ văn công ngày ấy.

 70 năm đã trôi qua từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thế nhưng những ký ức huy hoàng thủa nào vẫn in đậm trong tâm trí người nữ văn công. “Đó là những năm tháng không bao giờ quên, trong cuộc đời tôi”-bà Diệp tâm sự.

TRANG LINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ