A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu chuyện về Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện

QPTĐ-Trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố 7, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi ở của ông Phạm Đức Cư, nguyên chiến sĩ Điện Biên, người luôn sát cánh cùng Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện trong chiến đấu. Mặc dù đã bước sang tuổi 94, sức khỏe yếu, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn mẫn tiệp. Khi được hỏi về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên đạn bom mịt mùng khói lửa, ông Phạm Đức Cư bỗng dưng tươi tỉnh, hồ hởi hẳn lên, những nếp nhăn trên trán như giãn ra, đôi mắt mờ đục ngước nhìn về phía đồi A1. Tiếng hô xung phong đánh trận, gương mặt đồng đội, niềm vui và cả mất mát, hi sinh phút chốc bỗng ùa về trong lời kể của ông...

Ông Phạm Đức Cư kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đầu năm 1953, chàng thanh niên Phạm Đức Cư gia nhập Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 1/4/1953 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (tiền thân của Sư đoàn Phòng không 367, Quân chủng Phòng không-Không quân ngày nay). Qua gần một năm học tập, huấn luyện kỹ thuật điều khiển pháo ở Trung Quốc, cuối năm 1953, cấp trên cử hai Tiểu đoàn 383 và 394 thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) và ông được tham gia Chiến dịch từ đó. “Hò dô ta nào/kéo pháo ta vượt qua đèo. 

Bài hát vừa thể hiện hừng hực khí thế tiến công, vừa lãng mạng hào hoa, nhưng đó là những ngày tháng gian khổ, ác liệt, thấm đẫm máu và nước mắt của chúng tôi, nhưng là quãng thời gian đẹp nhất trong đời tôi”- Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư quả quyết. Rồi ông chậm rãi: “Cuối tháng 1/1954, các đơn vị công binh ngày đêm thi công mở đường cho các đơn vị pháo binh, bộ binh vào lòng chảo Mường Thanh, tiếp cận các cứ điểm quân địch. Tôi và các đồng đội được lệnh kéo pháo bằng sức người vào gần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng ông Cư vẫn nhớ như in những ngày kéo pháo vào trận địa với biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, trong đó có tấm gương hy sinh dũng cảm cứu pháo của anh Tô Vĩnh Diện: “Chúng tôi được phát mỗi người một đôi giày vải trước khi lên đường. Để có thể kéo được khẩu pháo nặng 2,4 tấn vào trận địa, cần 80 đến 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đường ra trận chủ yếu mới mơ, chật hẹp, địa hình dốc, trời mưa trơn, lầy lội, một bên là vực thẳm, một bên là sự bắn phá không ngừng của địch, khiến việc kéo pháo vô cùng khó khăn. 

Không chỉ vật lộn với núi cao, vực sâu, chúng tôi còn phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt của Điện Biên. Có những hôm mưa tầm tã, đường trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy là pháo có thể rơi xuống vực thẳm. Đôi giày vải được phát sau vài hôm lội bùn, ghì dây kéo pháo đã nát bươm. Anh em phải đi chân trần, dẫm lên gốc cây, đá nhọn, tứa máu. Suốt hành trình, từ cán bộ đến chiến sĩ đều lấm lem bùn đất, chân tay xước xát máu me, hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì đói ăn, thiếu ngủ. Mặc dù vậy, ai cũng háo hức chờ ngày nổ súng mà quên hết mệt nhọc. 

Trải qua 9 ngày đêm liên tục, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi đã nỗ lực vượt qua biết bao núi cao, suối sâu, vực thẳm, dùng sức người kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn đến vị trí tập kết, chỉ cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 15-18km. Theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 383 chiếm lĩnh sườn núi phía Đông Nam lòng chảo, Tiểu đoàn 394 của tôi chiếm lĩnh sườn núi phía Tây Nam lòng chảo, hai đơn vị có 41 trận địa pháo, bố trí thế trận hình cánh cung ôm lấy lòng chảo, hình thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên, sẵn sàng chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ bộ binh chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn xuống đầu quân thù”.

Khí thế giết giặc lập công đang sôi sục trong tim gan mỗi cán bộ, chiến sĩ, thì đơn vị nhận lệnh kéo pháo trở lại vạch xuất phát. Chúng tôi ai cũng bàng hoàng với câu hỏi tại sao không đánh hay có vấn đề gì? Sau khi được chỉ huy đơn vị phổ biến rằng, tinh thần Chiến dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật thay đổi, vì địch có động thái mới. Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư thuật lại. 

Chấp hành mệnh lệnh của trên, tối 26/1/1954, Tiểu đoàn 394 thực hiện nhiệm vụ kéo pháo về địa điểm tập kết. Theo ông Cư, quá trình kéo pháo vào đã gian nan, vất vả, khi kéo pháo ra khó khăn, phức tạp bội phần. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả đơn vị, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu và Chính trị viên Phạm Đăng Ty (sau này là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân, Bí thư Đảng ủy Cục Hàng không dân dụng Việt Nam), cán bộ, chiến sĩ lần lượt kéo pháo ra. 

Mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ thì khẩu pháo cuối cùng do anh Tô Vĩnh Diện phụ trách gặp bất trắc. Giọng ông trùng xuống xúc động: “Khẩu pháo do anh Tô Vĩnh Diện phụ trách đang xuống dốc thì một chùm pháo của địch bất ngờ bắn tới khiến nhiều đồng chí bị thương. Anh Tô Vĩnh Diện vội lao lên túm chặt lấy càng pháo to hơn cái bắp cày, nặng hàng trăm kg thay cho các khẩu đội bị thương. Pháo di chuyển đến lưng chừng dốc, một chùm đại bác của giặc lại bắn tới, khiến một trong hai dây tời kéo pháo bị đứt, khẩu pháo nặng 2,4 tấn quay ngang, quay dọc, có nguy cơ lao xuống vực sâu. “Bám chắc, quyết tâm bảo vệ pháo”-Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hét lên. Nhưng khẩu pháo lao xuống ầm ầm. Anh lại hét to: “Chết không rời pháo!”. 

Với trách nhiệm của Khẩu đội trưởng, anh Tô Vĩnh Diện cùng các chiến sĩ vật lộn với khẩu pháo, bàn chân anh đạp mạnh vào vách núi, hai tay ghì chặt, cố hết sức đẩy càng pháo vào taluy dương để pháo không bị lăn xuống vực. Tuy nhiên, khẩu pháo đang ầm ầm lao xuống dốc. Phía trước lúc này chỉ có một mình Diện. Anh cắn môi, lấy hết sức đẩy càng pháo vào vách núi. Khẩu pháo đứng sững lại tưởng như đã chịu thua sức lực và trí tuệ của con người. Nhưng rồi nó lại quật mạnh càng hất tung hai chiến sĩ bám bên cạnh xuống vực và hùng hổ lao xuống. Chỉ còn một quãng ngắn là tới chỗ đường vòng, cái vực sâu đen ngòm đã hiện ra. Giữa lúc đó, một chiến sĩ lao kịp tới ngang thân pháo, nhưng lại bị bật văng ra xa. 

Khẩu pháo nhảy qua mô đất, hất càng lại và nhấc bổng Diện như muốn hất tung anh lên sườn dốc. Diện vội ghì chặt hai tay không chịu rời pháo, người anh một lần nữa bị quật mạnh... Trong giờ phút nguy nan ấy, anh buông tay lái, đạp mạnh hai chân, cả thân mình Diện bật như thỏi cao su lao vào trước vành bánh pháo. Khẩu pháo chồm lên rồi cuốn anh vào gầm, chiếc đế kích đằng trước đè xuống chiếc mũ sắt anh đang đội. Pháo dừng hẳn, mọi người chạy đến chèn cứng bánh, chặt gốc cây, kéo pháo lùi lại đưa Tô Vĩnh Diện ra ngoài. Trong lúc thoi thóp, vẫn còn hỏi đồng đội: “Pháo có sao không?”, rồi hy sinh. Trong đêm vắng lặng của mùa Đông năm ấy, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 394 cùng mặc niệm trước mộ người đồng đội anh hùng, không có một nén hương, chỉ có gió rừng ào ạt và hạt mưa, hạt sương đêm như giọt lệ, nhỏ xuống nấm mồ anh-Ông Phạm Đức Cư giọng nghẹn lại.

Sự hy sinh anh dũng của anh Tô Vĩnh Diện càng làm trỗi dậy quyết tâm đánh thắng quân thù của bộ đội pháo cao xạ. Chiều tối 13/3/1954, thời điểm bắt đầu Chiến dịch, pháo binh, bộ binh của quân đội ta ào ạt tiến công đánh chiếm lên điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng tại phân khu 1 ở Him Lam, chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ quân ta đã làm chủ thế trận. 

Đến 5 giờ ngày 14/3/1954, các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu, với nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị bộ binh, thực hiện bao vây, tiến công đồi Độc Lập. Đêm 15/3/1954 quân ta đánh chiếm, làm chủ đồi Độc Lập. Ngày 16/3/1954 quân địch ở khu đồi Bản Kéo lũ lượt cầm cờ trắng ra hàng. Chiến dịch mới có 3 ngày, địch đã mất 3 vị trí tiền tiêu quan trọng ở phân khu phía Bắc, chúng cay cú, điên cuồng nã pháo, huy động nhiều máy bay bắn phá vào các trận địa pháo của ta. 

Thế nhưng, Phạm Đức Cư và những đồng đội vẫn kiên cường trên mâm pháo. Kết quả qua 3 đợt tiến công, suốt 56 ngày đêm, các đơn vị pháo cao xạ đã hạ gục không lực của quân Pháp, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch. Trên bầu trời Điện Biên Phủ năm 1954 pháo cao xạ đã bắn rơi 52 chiếc máy bay các loại, trong đó có cả loại pháo đài bay B24; bắn bị thương 117 chiếc khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cư tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở đơn vị pháo cao xạ. Năm 1962 ông được cấp trên cử lên Điện Biên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và sống cùng gia đình tại mảnh đất lịch sử này cho đến hôm nay. May mắn hơn các đồng đội của mình, ông Cư được chứng kiến Điên Biên từ những ngày còn ngổn ngang hố bom, dây thép gai, bãi mìn; “không đường, không điện, không trường, không trạm”, đến hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc mỗi ngày thêm no ấm, tươi vui.

NGUYỄN VĂN TUÂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ