A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ

QPTĐ-Cùng thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta trên khắp cả nước đã tổ chức nhiều trận đánh góp phần chia lửa với chiến trường chính Điện Biên. Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, chúng ta đã buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng, bị động đối phó và không thể tập trung được lực lượng cho Điện Biên Phủ. Tại Hà Nội, cùng với đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, lực lượng vũ trang Thủ đô tổ chức nhiều trận đánh hiệu quả, tiêu biểu là trận tập kích sân bay Gia Lâm vào tháng 3 năm 1954, góp phần làm gián đoạn cầu hàng không tiếp tế của địch cho Điện Biên Phủ.

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954.  

Ảnh: Tư liệu

Sân bay Gia Lâm là một sân bay lớn của miền Bắc Đông Dương, nằm ở ngoại vi Hà Nội (lúc này thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh). Sân bay chỉ cách nội thành Hà Nội bằng cây cầu Long Biên và nằm ngay cạnh Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Từ sân bay này, nhiều loại máy bay khu trục, phóng pháo, vận tải, trinh sát hàng ngày đi ném bom, bắn phá hậu phương của ta và tiếp tế cho các mặt trận của địch. Mỗi ngày, hơn 100 lần máy bay cất cánh đi bắn phá xung quanh Điện Biên Phủ và chuyên chở 400 tấn vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men cho binh lính địch. Sân bay được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bên ngoài là một hệ thống đồn bốt, hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc. Bên trong sân bay, lực lượng bảo vệ lên tới 2.000 tên, gồm một Trung đoàn lính Âu-Phi, lính người Việt và một đội mật thám. Sau trận đánh sân bay Bạch Mai năm 1950, địch càng cảnh giác, ra sức củng cố, bảo vệ sân bay nghiêm ngặt.

Chủ trương đánh sân bay Gia Lâm được Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định từ tháng 5 năm 1953. Sau khi nghiên cứu kỹ, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định dùng chiến thuật tập kích, sử dụng 16 đồng chí, trong đó có 3 dân quân địa phương, do đồng chí Vũ Văn Sự, cán bộ đại đội, chỉ huy trận đánh. Lực lượng này gọi là Đơn vị C26, được tuyển chọn chủ yếu từ Đại đội 8, phần lớn là cán bộ trung đội, tiểu đội, nhiều đồng chí đã trải qua chiến đấu, lập nhiều thành tích. Được giao nhiệm vụ đánh địch, anh em rất phấn khởi, coi đây là dịp lập công phối hợp cùng mặt trận Điện Biên Phủ. Lực lượng được chia làm 4 bộ phận. Bộ phận tiến công gồm 10 người, chia làm 3 tổ trang bị mìn, thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên K50 đánh vào bãi đậu máy bay và kho tàng của địch. Một bộ phận kiềm chế địch bảo vệ cửa mở. Một bộ phận khác gồm 3 đồng chí sẵn sàng chặn lực lượng tiếp viện của địch ở Gia Lâm xuống, chuẩn bị đánh xe tăng địch. Bộ phận còn lại gồm 2 đồng chí làm nhiệm vụ tải thương.

Phương châm của ta là dùng lực lượng ít nhưng tinh nhuệ, bí mật, bất ngờ đánh vào chỗ sơ hở của địch, thực hiện đánh nhanh, rút nhanh. Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đề nghị Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm chỉ đạo lực lượng vũ trang các địa phương xung quanh sân bay hạn chế những hoạt động lớn trong một thời gian, khiến địch càng chủ quan, sơ hở, tạo điều kiện đánh địch thuận lợi. Đồng thời, phối hợp đề ra kế hoạch chống địch càn quét, khủng bố nhân dân sau khi trận đánh diễn ra.

Đêm mùng 3, rạng sáng ngày 4 tháng 3 năm 1954, trận đánh sân bay Gia Lâm được tiến hành. Các chiến sĩ thực hiện mở cửa mở, trừ bộ phận cảnh giới, còn lại chia làm 3 tổ vào vị trí chiến đấu. Khi đến vị trí xuất phát xung phong thì bị địch phát hiện nhưng anh em vẫn kiên quyết tiến công. Các tổ theo hiệu lệnh của chỉ huy tiến vào bãi đậu máy bay và các mục tiêu khác. Trong phút chốc, tiếng mìn, thủ pháo, lựu đạn vang lên khắp nơi. Hàng loạt máy bay địch nổ tung, bốc cháy sáng rực cả một góc trời. Sau mấy phút lúng túng, địch kéo còi báo động, bộ đội ta nhanh chóng rút lui an toàn.

Kết quả trận đánh, 18 máy bay địch gồm 5 chiếc B26, 10 chiếc Đa-cô-ta chở quân, 3 chiếc loại khác; một nhà sửa chữa máy bay; một kho xăng bị phá hủy; 16 tên địch bị tiêu diệt. Hoạt động tại sân bay của địch trong nhiều ngày bị đình trệ.

Chiều 4 tháng 4 năm 1954, quân dân Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên đường số 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa tiếp tế quân lương và vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội. Cuối tháng 4/1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị vây hãm nguy ngập, công nhân Sở binh lương trong Citadelle đốt kho, làm cháy hàng ngàn chiếc dù, chặn nguồn tiếp tế lên chiến trường Điện Biên Phủ của địch.

Trong khoảng thời gian này, trên địa bàn tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hà Đông (nay đều thuộc thành phố Hà Nội) cũng diễn ra nhiều trận đánh phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Ở Sơn Tây, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tập trung chỉ đạo chuyển phong trào lên đấu tranh vũ trang và mở rộng khu du kích, đêm 8 tháng 1 năm 1954, Đại đội 350 cùng lực lượng vũ trang Quảng Oai tiến công đồn bảo chính đoàn ở Tri Lai, diệt và bắt gọn 1 trung đội địch. Đại đội 154 (Bất Bạt) hạ đồn Thuận An, phục kích bắt gọn bọn phản động ở Phú Hữu. Cuối tháng 2 năm 1954, Tỉnh ủy Sơn Tây đề ra chủ trương “Tranh thủ thời cơ đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên một bước mới, cao hơn, rộng hơn, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng và phát triển chiến tranh du kích”. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ trong vòng một tháng, tận dụng thời cơ, kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng, quân dân Sơn Tây đã liên tiếp mở hai khu du kích Thạch Thất-Quốc Oai và miền bãi Phúc Thọ tạo nên bước phát triển nhảy vọt của phong trào kháng chiến ở Sơn Tây.

Trên địa bàn Hà Đông, ngày 22 tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn 79 do đồng chí Đinh Văn Tuy (Tỉnh đội phó) chỉ huy đã phục kích, phá hủy 58 xe vận tải của thực dân Pháp trên đường 6 từ Ninh Sở đến chùa Trầm. Tiếp đó, đơn vị tiến công diệt địch ở Tiên Lữ (Chương Mỹ) và Do Lộ (Quốc Oai). Gần 1 trung đội địch ở Đại Ơn hoảng sợ mang vũ khí ra hàng. Vị trí Lưu Xá cũng bị ta san phẳng. Khu du kích Chương Mỹ được nối liền với khu du kích Quốc Oai-Thạch Thất. Tuyến phòng thủ đường 6 và sông Đáy của địch bị uy hiếp nghiêm trọng.

Như vậy, với trận đánh sân bay Gia Lâm và các trận đánh trên địa bàn Sơn Tây, Hà Đông, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng quân dân cả nước đã “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã kết nghĩa với Bộ CHQS tỉnh Điện Biên trên tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở các nội dung kết nghĩa, hai đơn vị thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng như: Kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; tham mưu tổ chức các cuộc luyện tập, diễn tập; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, xây dựng cơ quan quân sự và bộ đội địa phương ngày càng vững mạnh, rộng khắp; một số kinh nghiệm trong lĩnh vực phối hợp tham mưu với địa phương giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở; công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng là cán bộ các cấp, học sinh, sinh viên, đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, phường, thị trấn; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Đảng bộ Quân sự tỉnh Điện Biên trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng bản lĩnh chính trị cho lực lượng vũ trang thuộc quyền; kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo…

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo 10 Ban CHQS quận, huyện, thị xã ký kết và tổ chức tốt các hoạt động kết nghĩa với 10 Ban CHQS thành phố, thị xã và huyện của tỉnh Điện Biên. Hàng năm, Ban CHQS quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều tham mưu tốt với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức đoàn công tác thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác quân sự, quốc phòng; thăm, tặng quà gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; hỗ trợ xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế cũng như cơ sở vật chất, thiết bị văn phòng của các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Tự hào đều là những địa phương có những chiến thắng lịch sử, “Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ trên không”, giống nhau về tầm vóc và ý nghĩa, đều giành thắng lợi và buộc kẻ thù phải ngồi đàm phán, ký kết hiệp định công nhận độc lập chủ quyền của dân tộc, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên cùng bắt tay thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và những ngày lễ lớn của dân tộc.

Trung tướng Trần Ngọc Tuấn

 Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ