A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Trung tướng Đặng Quân Thụy đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và cả các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, lập nhiều chiến công oanh liệt. Ông từng giữ nhiều cương vị như: Chính trị viên Đại đội; Tổ trưởng Tổ chiến sự; Tư lệnh Binh chủng Hóa học; Tư lệnh Quân khu 2; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X; Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa IX; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (nhiệm kỳ 2002-2007), ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1984, Trung tướng năm 1989. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 17-10-2023, ông được Chủ tịch nước ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 

QPTĐ- Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phái viên tác chiến của Bộ Tổng tham mưu tại mặt trận Điện Biên Phủ, dù ở tuổi 96, với 77 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn nhớ như in những ký ức của 70 năm trước, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Sinh năm 1928 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông Đặng Quân Thụy tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Cuối năm 1944, khi còn đang là học sinh Trường Bưởi (Trường Chu Văn An ngày nay), thanh niên Đặng Quân Thụy đã tham gia Mặt trận Việt Minh, thường xuyên nghiên cứu các tài liệu, nhất là tờ báo Cứu Quốc và các tài liệu huấn luyện cơ bản về cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa cộng sản. 

Ông là thành viên tích cực tham gia vận động các tầng lớp nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp trở lại nước ta với dã tâm đặt ách thống trị ở Việt Nam một lần nữa. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia đoàn quân Nam tiến, là thành viên trong “Chi đội Vi dân” vào chiến đấu ở mặt trận Buôn Ma Thuột tháng 11-1945, làm Chính trị viên Đại đội.

Năm 1946, Chi đội ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ở đây tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sau đó, trong một trận chiến đấu, ông bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, ông nhận công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc… Cuối năm 1953, ông nhận nhiệm vụ ở Ban tác chiến Chiến dịch của Bộ Quốc phòng. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ông cùng đồng đội góp sức vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Quân Thụy.

Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trợ lý tác chiến của cơ quan Bộ chỉ huy Chiến dịch (được Bộ Tổng tham mưu cử xuống). Ông đã nhiều lần cùng các trinh sát viên vào sát các vị trí của địch, đo đạc, vẽ sơ đồ các tuyến đường, xác định vị trí các trận địa pháo của địch... 

Đây cũng là thời gian ông có vinh hạnh được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái khi các vị lãnh đạo xuống kiểm tra thực địa và chỉ đạo tác chiến. Kỷ niệm sâu sắc trong chiến dịch mà ông nhớ nhất đó là khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm tận dụng thời gian chuyển hóa lực lượng, phá tan âm mưu phòng ngự vững chắc của địch. 

Đây là một quyết định sáng suốt, táo bạo, quyết tâm đánh chắc thắng, không chắc thắng thì không đánh. Khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về nội dung chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thống nhất cho rằng: Quyết định thay đổi phương châm như vậy là hoàn toàn có cơ sở, rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng tình hình giữa ta và địch đã có sự thay đổi tại mặt trận. Hàng vạn quân chuẩn bị đánh nhưng nhận được lệnh hoãn thì anh em cũng có nhiều băn khoăn, thắc mắc, chúng tôi là đơn vị chấp hành mệnh lệnh. Việc chỉ huy lùi lại thời gian nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vì cần phải chuẩn bị thật chu toàn, không được phép sai sót.

Trong giai đoạn này, ông cùng đội ngũ cán bộ tác chiến phải đi thực tế, nghiên cứu chiến trường, xác định các trận địa pháo binh, đường kéo pháo vào các trận địa, nghiên cứu đào công sự, cấu trúc trận địa bao vây Điện Biên Phủ. Trung tướng Đặng Quân Thụy chia sẻ: Công tác chuẩn bị được bắt đầu bằng việc cơ động cài thế chiến dịch, Đại đoàn 308 được điều động sang phối hợp với bạn Lào và quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt quân địch nhảy dù xuống tăng cường cho phòng tuyến Nậm Hu (Mường Khoa), Mường Ngòi, Luông Pha Băng, thu hút lực lượng bộ binh và không quân địch để nghi binh đánh lạc hướng địch và hỗ trợ cho việc chuẩn bị của ta ở Điện Biên Phủ được thuận lợi. 

Tôi có nhiệm vụ làm phái viên tác chiến đi cùng Đại đoàn 308. Cuộc chiến ở hướng này diễn ra rất đặc biệt. Vì bị bất ngờ và trước lực lượng mạnh của ta, binh lính địch trong các đồn bốt đều bỏ chạy. Quân Pháp vội tăng cường một số tiểu đoàn, nhưng chúng không kịp chuẩn bị công sự và trận địa. Do đó, khi bị ta tấn công thì chúng chống cự yếu ớt, một số bị bắt làm tù binh, số còn lại rút chạy. Chúng tôi đã bàn với các cán bộ trung đoàn tổ chức lại đội hình để truy kích địch, đưa lực lượng công binh cùng trinh sát đi trước để gỡ mìn. Mục đích để tốc độ truy kích nhanh hơn và thương vong vì thế giảm đi. Khi Đại đoàn 308 tiến sát tới Luông Pha Băng (Lào), chúng tôi nhận lệnh nhanh chóng quay về tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi về Sở Chỉ huy mặt trận báo cáo kết quả Chiến dịch và những kinh nghiệm về tác chiến khi đang hành quân mà gặp địch...".

Quán triệt và thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra trong 56 ngày đêm với 3 đợt tiến công. Đặc biệt, trưa ngày 7-5-1954, ông Đặng Quân Thụy làm Trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy Chiến dịch thì nhận được báo cáo của các đơn vị phát hiện trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng, đã nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 21/7/1954, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”.

HỮU THU

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ