A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người mang mật thư thay đổi phương châm tác chiến

QPTĐ- Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Công Dinh-chiến sĩ Điện Biên năm xưa, người trực tiếp mang lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chiến trường Điện Biên Phủ về ATK Thái Nguyên gửi Bác Hồ để xin ý kiến về việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.

CCB Nguyễn Công Dinh kể lại chuyến công tác đặc biệt mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ATK.

Với 96 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, CCB Nguyễn Công Dinh vẫn còn nhớ như in cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ông kể, ông sinh ra và lớn lên ở Huế. Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, thì ông bỏ học về quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 

Thời điểm đó, phong trào Việt Minh đang phát triển và ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc để hoạt động cướp chính quyền tháng 8-1945. Đến tháng 4-1946, như một cơ duyên, vì ông có anh họ đang công tác trong bộ đội nên đã đề nghị và xin phép Việt Minh huyện cho ông vào bộ đội. Và từ đó ông chính thức vào Phòng Tham mưu của Quân khu 4, lúc đó đơn vị đóng quân ở Nghệ An. Năm 1947, ông chuyển sang công tác ở Phòng Chính trị và vào Đảng ngày 19-8-1947.

Năm 1949, Quân đội có chủ trương thành lập các sư đoàn chủ lực. Quân khu 4 thành lập Sư đoàn 304, nên Quân khu cử một số cán bộ ra Hà Nội học để về xây dựng sư đoàn, và ông là một trong số cán bộ được cử đi học. Tháng 10-1949 học xong, ông lại được Bộ Tổng tham mưu chọn về làm cán bộ Cục Tác chiến.

CCB Nguyễn Công Dinh vẫn còn nhớ như in, trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia 7 chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950, giải phóng Đông Khê; Chiến dịch Hà Nam Ninh 1951; Chiến dịch Tây Bắc 1952; Chiến dịch Hòa Bình 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào 1953.

Nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Nguyễn Công Dinh kể: Tháng 11-1953, khi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đông Xuân để giải phóng Lai Châu, do tướng Hoàng Văn Thái chỉ huy thì tôi tham gia trong Ban Tác chiến của Bộ chỉ huy. Khi Bộ chỉ huy hành quân lên Tuần Giáo (hang Thẩm Púa) để chuẩn bị lực lượng tấn công vào Lai Châu thì phát hiện hàng ngày, máy bay địch đưa quân từ Hà Nội đổ bộ xuống khu vực Mường Thanh (cách Tuần Giáo khoảng 80km, khi đó là huyện Điện Biên của tỉnh Lai Châu) và các tiểu đoàn của địch cũng rút về Mường Thanh. Kế hoạch đánh Lai Châu của ta không còn nữa và ta cũng thấy được, quân Pháp đã có kế hoạch củng cố Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm lớn để bảo vệ Tây Bắc.

Nhắc tới việc chuyển bức mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Nguyễn Công Dinh nhớ lại: Sáng ngày 27-1, bộ phận tác chiến của tôi đang khẩn trương soạn thảo kế hoạch tác chiến mới. Mọi người ai cũng khẩn trương và mục tiêu là phải hoàn thành kế hoạch thật nhanh và chính xác, an toàn, đặc biệt là việc bố trí các đơn vị khi rút quân ra thì phân bổ ở đâu. 

Đến trưa, khi tôi vừa ăn cơm xong, thì tướng Hoàng Văn Thái xuống tìm tôi và nói: Cậu Dinh, cậu ăn cơm xong rồi lên gặp anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) để nhận nhiệm vụ mới. Khi tôi vừa vào đến lán của Đại tướng, ông rất nhẹ nhàng bảo, “cậu Dinh đấy à, cậu ngồi xuống đây”. Rồi Đại tướng nói, “tình hình là đêm qua và sáng nay tôi đã viết xong bức thư. Đây lá thư đây, tôi đã dán rất cẩn thận rồi. Trong này, tôi báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ về tình hình ở đây. Cái này chắc cậu đã biết rồi”. 

Nhưng thực ra, tôi làm sao biết được Đại tướng viết gì, nhưng tôi đoán chắc là về việc lui lại lịch đánh và rút quân ra. Nhưng tôi vẫn báo cáo Đại tướng là, dạ vâng, việc thay đổi phương châm tác chiến tôi cũng đã có nghe rồi. Rồi Đại tướng dặn, “giờ cậu phải mang lá thư này gấp về báo cáo với Bác Hồ và Trung ương (ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên) để xin chỉ thị của Bác. Tôi phải viết thư, vì không thể đánh điện được”. Tôi nhận lệnh (thời điểm đó, chúng tôi tuổi còn trẻ và nhiệt huyết cách mạng lắm, nên cứ nhận được nhiệm vụ là chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành thật tốt). Đại tướng rất cẩn thận dặn tôi, “hiện giờ Bộ Chính trị đang họp nên cậu về đến nơi thì xin gặp Bác để đưa thư, nếu Bác cần hỏi gì thêm thì báo cáo, còn không thì cứ đưa thư là được. Còn trường hợp nếu Bác đang họp, không gặp được, thì phải xin gặp anh Văn Tiến Dũng và nhờ anh ấy đưa ngay thư cho Bác”.

Trước khi tôi đi, Đại tướng còn dặn thêm, “đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cậu phải đi nhanh, an toàn. Và cậu lấy chiếc xe Jeep của tôi mà đi”. Chiếc xe này là ta lấy được trong trận biên Giới 1950, giờ là xe riêng của Đại tướng. Con đường từ Điện Biên về ATK phải đi qua 3 trọng điểm địch bắn phá ác liệt là Đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi và bến phà Âu Lâu.

Hồi đấy, thời tiết cứ tầm 4 giờ chiều là sương mù xuống, nên tôi đợi đến đúng 4 giờ chiều thì xuất phát, xe chạy suốt đêm, chạy qua Tuần Giáo, xuống đèo Pha Đin là gần sáng thì nghe kẻng báo động có máy bay. Anh lái xe rất nhanh, ngay lập tức cho xe tấp vào lề đường và dừng. 2 chúng tôi vừa nhảy xuống khỏi xe thì nghe có tiếng bom nổ rất gần. Tôi thấy một chiếc máy bay địch bay vụt qua rất nhanh. Đất rung chuyển còn chưa kịp yên thì anh lái xe lại hô, “lên xe đi anh” và 2 anh em lại leo lên xe rất nhanh chạy tiếp. Đi được một đoạn ngắn thì chúng tôi biết là đường đèo vừa bị bom đánh, may mà đường chỉ bị sạt một phần, chiếc xe Jeep nhỏ gọn vẫn vừa đủ lách qua đoạn đường còn lại.

Chúng tôi chạy liên tục từ đèo Pha Đin về đến bến phà Âu Lâu, lúc đấy trời đã sáng. Khi thấy xe con từ mặt trận về nên họ cho phà chở sang luôn. Khi phà đi đến giữa sông thì lại có kẻng báo động máy bay. Lúc đó tôi rất lo, vì phà đang ở giữa sông nên không biết xoay sở thế nào, nhưng tôi cũng bình tĩnh bảo cậu lái xe cho xe nổ máy sẵn, để khi phà cập bến một cái là xe phải vọt lên luôn. Còn bản thân tôi chủ động tháo thắt lưng ra, quấn ngang qua dây đeo của chiếc túi xắc-cốt để tính là nếu mình có bị rơi xuống sông thì cái xắc cốt vẫn luôn dính theo người. Và khi phà vừa chạm bến, là xe của chúng tôi vọt lên ngay. Cùng lúc đấy, tôi nghe thấy tiếng bom nổ phía sau của phà.

Đến đầu giờ chiều ngày 29-1, chúng tôi về đến căn cứ. Khi đó Bác Hồ đang họp, tôi ngồi chờ ở cổng bảo vệ. Chờ một lúc, tôi sốt ruột quá, tôi bảo anh bảo vệ là cho tôi gặp anh Văn Tiến Dũng. Anh bảo vệ vào mời được anh Văn Tiến Dũng ra, tôi đứng dậy báo cáo là tôi ở chỗ anh Văn và anh Văn có gửi thư cho Bác, bức thư rất gấp. Anh Văn Tiến Dũng cầm bức thư và nói, “để tôi mang vào rồi tranh thủ gửi Bác, vì hiện giờ Bác đang họp rất bận”. Tôi ngồi chờ đến hết giờ chiều, anh Văn Tiến Dũng ra nói là đã đưa thư cho Bác rồi, giờ cậu cứ về nghỉ, sáng mai sang đây. Sáng hôm sau, tôi lại sang ngồi ở cổng bảo vệ từ sớm. Đến khoảng 10 giờ thì anh Dũng ra bảo là Bác đã đọc hết thư rồi, cho đồng chí đưa thư về để còn phục vụ trên đấy. Còn ở đây, Bác sẽ có trả lời cho anh Văn.

Chiều 30-1, tôi lên xe về đơn vị, chúng tôi tiếp tục chạy suốt ngày đêm. Đến sáng 1-2 chúng tôi về đến đơn vị (nhưng đêm 31-1, Sở chỉ huy đã dọn đi hết rồi), chúng tôi chỉ còn gặp 2 đồng chí cấp dưỡng đang dọn dẹp nốt. Chúng tôi ăn vội bát cơm nguội rồi theo 2 đồng chí cấp dưỡng vào Mường Phăng để gặp anh Văn báo cáo. Vừa thấy tôi, anh Văn lại giọng điềm tĩnh, “Cậu Dinh đã về đấy à, tôi đã nhận được trả lời của Bác rồi, Bác nói là hoàn toàn đồng ý phương châm đó”. Đến lúc đó tôi mừng quá, vì mình đã hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng.

Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi ở bộ phận tác chiến tại Sở chỉ huy Mường Phăng. Khi đó, cán bộ tác chiến có nhiệm vụ trực nghe điện thoại của các sư đoàn báo cáo về tình hình chiến sự. Tôi được giao phụ trách nghe điện thoại của Sư đoàn 312, chính là sư đoàn đánh ở Him Lam. Tôi cứ nghe điện thoại xong, lại chạy theo đường hầm sang báo cáo tình hình với Đại tướng.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dinh tiếp tục về công tác tại Cục Tác chiến, rồi chuyển một vài đơn vị, đến năm 1968, ông chuyển ngành sang Bộ Nông nghiệp và rồi công tác ở Cục Thủy sản đến năm 1991 thì nghỉ hưu.

Đã 70 năm trôi qua, những ký ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính già. Khi nghỉ về với cuộc sống đời thường, ông Dinh thấy mình may mắn hơn nhiều người vì vẫn còn khỏe mạnh. Ông tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như làm Bí thư Chi bộ, tham gia Hội CCB, Hội Người cao tuổi… Hằng ngày, ông vẫn cùng người bạn đời chia sẻ những buồn vui của cuộc sống. Ông bà luôn sống mẫu mực, gần gũi với anh em đồng chí, đồng đội và bà con làng xóm, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

SONG HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ