A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng

 

QPTĐ-Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, với cái nhìn chủ quan, phiến diện và tư tưởng chống phá, trên các trang tiếng Việt thiếu thiện chí với Việt Nam như: BBC, RFA, VOA, một bộ phận tự nhận là “nhà trí thức”, “nhà quan sát”, “nhà bình luận”, “nhà nghiên cứu”… lại ra sức xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đài BBC đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc

Trong thời gian gần đây, trên BBC, RFA, VOA… liên tục xuất hiện các bài viết về chủ đề chống tham nhũng ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cũng như cộng đồng quốc tế. Vấn đề ở chỗ, các bài viết trên không thấy được quyết tâm, sự nỗ lực cũng như những thành tựu quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta mà thường suy diễn một cách chủ quan, thậm chí xuyên tạc về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam.

Trên BBC mới đây có bài viết: “Cách mạng Việt Nam nuốt chửng đàn con hay chúng đang gặm nhấm di sản cha anh?”. Bài viết mượn câu nói "Cách mạng cũng như sao Thổ luôn nuốt chửng lấy con cái của nó" của Jacques Mallet du Pan nói về Cách mạng vô sản Pháp năm 1789 để ám chỉ đến Việt Nam, cho rằng con cháu của các thế hệ làm cách mạng rồi sẽ tha hóa, “gặm nhấm di sản của cha anh”, rồi sẽ “bị tiêu diệt bằng các bản án pháp luật trừng trị nghiêm khắc”.  Từ đó, bài viết suy diễn: “Niềm tin chính trị nay đã chết khi Đảng ta vẫn còn cố chấp lấy lý lịch nhân thân làm cơ bản giá trị nhằm đem thành phần lạc hậu, yếu kém, quê mùa trong xã hội lên nắm quyền”. Cuối cùng, bài viết kết luận một cách phiến diện: “Với cấu trúc quyền lực hiện nay thì tình hình tham nhũng, lạm quyền, cướp tiền công khai ban ngày của nhiều thành viên hệ thống sẽ phải còn tiếp tục. Đó chính là một quy luật lịch sử. Người ta sẽ ăn không thể dừng”.

Cũng trên BBC còn có các bài viết như: “Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Điều gì thực sự phía sau?”; “Vụ án Việt Á cho thấy quản lý nhà nước “có vấn đề””. Hay trên RFA có các bài viết như: “Covid: Bộ xét nghiệm Việt Á từ góc nhìn an nguy của thể chế”; “Vì sao “lò” chống tham nhũng đang cháy mà hàng loạt cán bộ cao cấp vẫn không sợ?”; “Thể chế cản trở chống tham nhũng: “Nhắc đi, nhắc lại” sao vẫn bế tắc?”… Các bài viết này đều có một cái nhìn phiến diện khi cho rằng,  “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, bản thân bộ máy đẻ ra tham nhũng, do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công". Cho rằng tham nhũng là căn bệnh kinh niên của “chế độ độc đảng cầm quyền”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra...”.  Một số “nhà trí thức”, “nhà nghiên cứu”, “nhà quan sát” tự xưng còn lớn tiếng “phán” rằng “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”, kết luận một cách tùy tiện, vô căn cứ kiểu như “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do Đảng đứng trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng”. Đây rõ ràng là luận điệu vô căn cứ, mang tính quy chụp để bôi nhọ và chống phá Đảng, phủ định sạch trơn những kết quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển của nước ta, hạ thấp vai trò lãnh đạo cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu

Tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại nhiều nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào lãnh đạo đất nước, mà do nhiều nguyên nhân khác nhau từ hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trình độ dân trí thấp, suy thoái đạo đức, lối sống... Thực tế ở một số nước phát triển, có chế độ đa đảng thay nhau cầm quyền vẫn xảy ra tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí là ở những người đứng đầu đất nước. Ví dụ như cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức Tổng thống vào tháng 12-2016 do Bà Park Geun-hye bị buộc tội tham nhũng dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính. Cựu Tổng thống Brazil Temer bị cáo buộc cầm đầu một “tổ chức tội phạm”, nhận hối lộ lên đến 1,8 tỷ reais (tương đương 472 triệu USD). Hay cựu tổng thống Peru Alan Garcia đã tự sát bằng súng tại nhà riêng để tránh bị cảnh sát bắt liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ. Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, tham nhũng có thể xuất hiện ở bất kỳ chế độ xã hội nào, thể chế chính trị nào nếu công tác quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo.

Có thể nói, tham nhũng đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia, tổ chức và cả cộng đồng quốc tế, len lỏi vào hệ thống chính trị, đời sống xã hội cũng như tác động tới quá trình ra quyết định ở mỗi nước. Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng cũng nêu rõ: Tham nhũng không chỉ đe dọa sự ổn định và an ninh của xã hội, các thể chế và các giá trị của nền dân chủ, các giá trị đạo đức và công lý, sự phát triển bền vững và chế độ pháp quyền, mà còn là một hiện tượng xuyên quốc gia ảnh hưởng đến tất cả các xã hội và các nền kinh tế. 

Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập; trình độ quản lý kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế; hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, hiệu quả thấp; “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…, do đó còn vấn nạn tham nhũng là không thể tránh khỏi.

Kết quả không thể phủ nhận

Nhận thức rõ nguy hại của tham nhũng, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực từng bước làm trong sạch bộ máy nhà nước, minh bạch trong quản lý kinh tế để đẩy lùi tác động tiêu cực. Có thể nói, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như thời gian gần đây. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. 

Tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái.  Kết quả cũng cho thấy, có đến 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 450 vụ, hơn 600 đối tượng. Kiểm toán nhà nước đã chuyển gần 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý. Từ năm 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. 

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án liên quan đến Công ty Việt Á; vụ đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao… Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Giữa lúc quyết tâm chính trị, tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang lên cao thì các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải nhận thức rõ ràng, đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, thủ đoạn đó.

Hà Duy Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ