A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

 

QPTĐ-An ninh lương thực là 1 trong thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người. Hiện nay, biến đổi khí hậu, dịch Covid-19  và xung đột vũ trang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, với vị thế của một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, góp phần giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Khủng hoảng lương thực toàn cầu

Trong thời gian gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và đặc biệt là chiến sự Nga-Ukraine, an ninh lương thực lại càng trở thành vấn đề nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, từ 18 đến 23-5-2022, Liên hợp quốc đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc họp về an ninh lương thực toàn cầu. Nguy cơ mất an ninh lương thực được cảnh báo với những con số biết nói. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng "bóng ma thiếu lương thực toàn cầu" đe dọa trong những tháng tới và có thể kéo dài nhiều năm. Giá thực phẩm thiết yếu cao khiến số người thiếu ăn tăng thêm 440 triệu, lên 1,6 tỉ người. Chỉ trong 2 năm, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu trước đại dịch lên 276 triệu hiện nay. Hơn nửa triệu người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.

Theo The Economist nhận định, chiến sự Ukraine đang tàn phá hệ thống lương thực toàn cầu vốn bị suy yếu do Covid-19, biến đổi khí hậu và cú sốc năng lượng. Xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine hầu hết ngừng lại trong khi Nga cũng ra tín hiệu không xuất khẩu lương thực để tránh tổn hại tới thị trường trong nước. Nga và Ukraine cung cấp 12% lượng lương thực giao dịch toàn cầu. Giá lúa mì đã tăng 53% kể từ đầu năm, tăng thêm 6% vào ngày 16-5, sau khi Ấn Độ báo tạm ngừng xuất khẩu vì đợt nắng nóng ở nước này.

Trước khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Chương trình Lương thực Thế giới cũng đã cảnh báo năm 2022 sẽ là một năm khủng khiếp. Trung Quốc, nước sản xuất lúa mì lớn nhất, cho biết, sau những trận mưa khiến thời điểm gieo trồng năm ngoái bị hoãn, vụ mùa năm nay thể là vụ tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hiện tại, ngoài nhiệt độ khắc nghiệt ở Ấn Độ-nước sản xuất lớn thứ hai thế giới, tình trạng thiếu mưa có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng các loại lương thực khác, từ vành đai lúa mì của Mỹ đến vùng Beauce của Pháp. Vùng Sừng châu Phi đang trong đợt hạn hán tồi tệ nhất 4 thập kỷ.

Đứng trước những diễn biến khó lường, chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy. Theo thống kê của Công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Solutions, từ sau khi chiến sự Nga-Ukraine bùng phát, đã có khoảng 30 quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực. Những nước được cho sẽ gánh vác nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho thế giới như Ấn Độ, Brazil, Argentina đều có những động thái hạn chế xuất khẩu. Điều đó vô hình chung càng đẩy giá lương lực lên cao, tổn hại sức mua của người tiêu dùng, đe dọa các quốc gia mất an ninh lương thực nhất thế giới, nhiều quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng đói kém.

Trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Trước nguy cơ thiếu hụt lương thực trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia không tự chủ được nguồn thực phẩm, nhiều tổ chức quốc tế đã tìm đến Việt Nam để gửi thông điệp đánh giá cao vai trò của một cường quốc xuất khẩu nông sản. Cuối tháng 5-2022, tại một cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ông Rémi Nono Womdim tại Việt Nam cho biết: “Cả Nga và Ukraine đều là những đối tác “thống trị” trên thị trường nông sản toàn cầu, bao gồm cả thị trường phân bón. Do đó, xung đột hiện tại sẽ mang lại nhiều rủi ro đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nông sản, phân bón và năng lượng từ hai nước này. Điều đó có nghĩa là châu Phi và Trung Đông sẽ là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đây là thị trường tiêu thụ gần 50% số lúa mạch và bắp xuất khẩu từ Ukraine. Trong tình hình này thì nguồn cung cấp lương thực từ Việt Nam là hết sức quan trọng”.

Còn chuyên gia kinh tế Safwat Wl Alfy cho rằng: Là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi, vì Việt Nam nổi tiếng với nhiều loại lương thực, trong đó quan trọng nhất là gạo-loại ngũ cốc có thể thay thế cho nguồn lúa mì nhập khẩu vào châu Phi.

Trên thực tế, với trách nhiệm của một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực. Kết thúc tháng 5, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo: Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục đạt 1 tỉ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, ngành đã lập được “cú hattrick tỉ USD” khi liên tiếp 3 tháng kim ngạch xuất khẩu đều đạt 1 tỉ USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm đã đạt khoảng 2,05 triệu tấn, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Với những kỳ tích trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, nhất là những nước đang phát triển. Tiêu biểu như mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, FAO và nước đối tác ở châu Phi về trồng lúa. Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo cho một số nước châu Phi; không chỉ hỗ trợ người dân bị đói nghèo bớt khó khăn hiện tại mà còn tạo cho họ biết cách lo cho cuộc sống tương lai. Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp ổn định lúa gạo, hỗ trợ lương thực cứu đói cho các nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, thiên tai thảm họa, dịch bệnh; giúp đỡ phát triển trồng cây lương thực ở các vùng khó khăn, chậm phát triển ở châu Phi, châu Á, theo các chương trình của Liên hợp quốc.

Mới đây, tại phiên thảo luận mở về chủ đề "Xung đột và an ninh lương thực" tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19-5, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột. Nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam mong muốn trở thành một "Trung tâm sáng tạo về lương thực" của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Còn tại phiên thảo luận về "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu" tại Hội nghị WEF Davos 2022 ngày 23-5, với vai trò là một diễn gia chính tham dự, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng:  

Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.

Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ Latin.

Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.

Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…

Đứng trước khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ các nước trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện tốt vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Phương Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ