A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

QPTĐ-Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nền kinh tế. Đất đai là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề đất đai. Đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc, chống phá.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. (Ảnh: Internet)

Luận điệu xuyên tạc về sở hữu đất đai

Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thống nhất ban hành nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, Đảng ta nhất quán quan điểm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 5, trên các trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, RFI, VOA…, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước ra sức chống phá kết quả của Hội nghị. Họ đánh giá Hội nghị Trung ương 5 không đạt được tiến bộ nào vì vẫn coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Họ cho rằng, nếu vẫn “bảo thủ” như vậy thì Đảng ta sẽ còn mất nhiều cán bộ do tham nhũng về đất đai. Họ còn trắng trợn xuyên tạc, nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ là chiêu trò “lừa mị” người dân để một số ít cán bộ có chức, có quyền “độc chiếm” đất đai...
Đặc biệt, Kỳ họp thứ 3 (23/5-16/6), Quốc hội quyết định lùi sửa đổi Luật Đất đai sang Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) thì trên mạng xã hội, các trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông lại xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc về chế độ sở hữu đất đai toàn dân của Việt Nam. Trên BBC, họ quy chụp rằng: “Việt Nam: Luật Đất đai là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng”; “Luật Đất đai: Mãi mãi vẫn là những giấc mơ ở Quốc hội Việt Nam”. Trong các bài viết này, họ xuyên tạc rằng “đất đai là nguồn béo bở mà chính quyền không chịu buông”. Họ quy chụp rằng, cơ chế về pháp luật về đất đai của Việt Nam cũng không bình thường. Và rằng “Nhà nước quản lý là rất tù mù ở chỗ nhà nước là ai? Ở trên là mấy ông Chính phủ rồi xuống dưới có phải nhà nước là mấy ông Ủy ban Nhân dân?”…Rồi họ kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tư hữu hóa đất đai, và cho rằng như vậy mới phát huy hiệu quả nguồn lực của đất đai, mới hết căn nguyên của tham nhũng…
Mới đây, trên RFA có bài viết “Sở hữu toàn dân đối với đất đai: Cớ để tầng lớp lãnh đạo chiếm đất”. Bài viết xuyên tạc rằng: “Bằng việc tước đi quyền sở hữu đất của họ, và chỉ cấp một mảnh giấy quyền sử dụng đất, giới cầm quyền sau đó dễ dàng tước đoạt mảnh đất bằng nhiều lý do khác nhau để trục lợi từ những mảnh đất như vậy. Nói một cách khác, việc duy trì khẩu hiệu sở hữu toàn dân đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giàu cho phe nhóm của mình”. Từ đó, họ xuyên tạc rằng: “Chế độ này dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản đang đi theo con đường tư bản hoang dã mà trong đó giới cầm quyền và thân hữu đang tìm mọi cách để trục lợi trên quê hương”.  Cũng trong bài viết, Nguyễn Đình Cống, một đối tượng thoái hóa, biến chất, thường xuyên lên tiếng chống phá Đảng và Nhà nước còn xuyên tạc, bôi nhọ Đảng rằng: “Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam giống một cành tầm gửi bám vào cây chủ là dân tộc. Bề ngoài Đảng có những việc làm hình như là vì dân tộc, nhưng thực chất Đảng không vì tự do và hạnh phúc của dân tộc mà làm cho dân giàu lên để Nhà nước thu được nhiều thuế nhằm cung phụng cho Đảng là chủ yếu”…

Nhất quán quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Trở lại vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai. Theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cơ sở pháp lý xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định tại Điều 53: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Điều 4 Luật Đất đai cũng quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Việc Hiến định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đúng đắn và rất cần thiết dựa trên các căn cứ lịch sử, yếu tố khách quan và chủ quan của nước ta.
Trước hết, xuất phát từ quan điểm của Đảng ta, “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.
Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do, tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Bởi vì sở hữu toàn dân là sở hữu chung của người Việt Nam, hiểu theo nghĩa người Việt Nam là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cộng đồng hơn 90 triệu người dân Việt Nam phải là những chủ nhân của đất đai trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặt khác, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nếu không được Nhà nước quản lý chặt chẽ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Đó là không ít cán bộ có chức, có quyền lại tùy tiện trong quản lý, sử dụng; sai phạm trong quản lý đất đai còn rất nhiều, theo một thống kê, nó chiếm 70% số vụ việc khiến nhân dân khiếu kiện hiện nay. Nhưng chúng ta cần thấy rõ, đó là sự chưa hoàn thiện của chính sách, pháp luật; sự tham lam và tha hóa của cán bộ có chức, có quyền và cả sự tham lam của một số công dân (như vụ lấn chiếm đất quốc phòng ở Đồng Tâm). Như vậy, cái sai là do lòng tham của con người chứ không phải sai vì "sở hữu toàn dân". 
Hội nghị Trung ương 5 đã tập trung xác định nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai thời gian qua. Việc thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân căn bản thuộc về về quan điểm, chủ trương, chính sách; bất cập của Luật Đất đai năm 2013 hay nguyên nhân từ tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước, do nhận thức chưa đầy đủ hay ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm… chắc chắn sẽ có lời giải cho việc hiện thực hóa nhất quán quan điểm của Đảng: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ