A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác Đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

QPTĐ- Cùng với nghệ thuật quân sự tài tình, mưu lược, yếu tố chính trị, tinh thần trong công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội cách mạng đã góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ-Một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể lại những chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ.

Động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái ra chiến trường

Ở tuổi 96, mặc dù đi lại khó khăn nhưng Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312; nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu-người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khi xưa vẫn rất mẫn tiệp, giọng nói hào sảng, xúc động kể cho thế hệ trẻ chúng tôi nghe kỷ niệm 70 năm về trước: “Địch tổ chức tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành khu vực mà tất cả các nhà lãnh đạo quân sự, chính trị của nước Pháp và của đế quốc Mỹ đã đến thăm và huênh hoang rằng đây là “những thành lũy và pháo đài bất khả xâm phạm” và chúng thách thức chúng ta có dám chiến đấu không. Chúng đã viết và rải truyền đơn xuống rừng thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Được tin ngài đưa nhiều binh đoàn lên và định ăn Tết ở Điện Biên Phủ, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài”. Đó là một lời thách thức mà chúng cho rằng, tất cả các lực lượng Việt Minh đến đây sẽ bị chúng tiêu diệt.

Ông còn nhớ như in về trận đánh mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: “13 tháng 3 năm 1954 là trận đánh mở đầu giữa ta và địch tại cứ điểm Him Lam. Trung đoàn chúng tôi cùng với Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 do đồng chí Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Đây là cụm cứ điểm gồm 3 mỏm, mỗi mỏm là một đại đội lê dương chiếm đóng. Sau hơn 90 ngày đêm, kéo pháo vào, kéo pháo ra, đào trận địa, anh em mong mỏi cái ngày mở màn chiến đấu bằng cuộc tiến công đầu tiên. Đơn vị chúng tôi rất phấn khởi nhận nhiệm vụ tiêu diệt mỏm thứ 3 của cứ điểm Him Lam. 

16 giờ 30 phút, quân ta dàn đội hình chuẩn bị chiến đấu. Lúc bấy giờ, trước khi xuất quân, bộ đội được nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác viết như thế này: “Các chú sắp ra trận, nhiệm vụ của các chú rất to lớn, có nhiều khó khăn nhưng cũng rất vinh dự, vẻ vang, Bác tin chắc các chú sẽ vượt qua… Chúc các chú thắng lợi to, Bác sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc nhất. Bác hôn các chú!”. 

Đó là lời động viên tiêu biểu cho tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của Bác Hồ. Sau đó, đọc lệnh động viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Giờ ra trận sắp đến, lần đầu tiên chúng ta tiến hành một trận chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm lớn nhất của địch, đó là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng và ra trận. Các binh chủng, các đơn vị dũng cảm tiến lên!”. 

Nghe đọc những lời động viên như thế, quân ta sung sướng lắm. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều viết quyết tâm thư và viết chữ “quyết chiến, quyết thắng” dán vào báng súng và lên trên mũ. 17 giờ 05 phút mở màn Chiến dịch, tất cả pháo, cối của chúng ta dội vào trung tâm cứ điểm của Him Lam. Khói lửa mịt mù, tiếng súng ầm ầm. Quân ta với khí thế quyết chiến, quyết thắng tiến lên tiêu diệt địch. Đặc biệt, lần đầu tiên có đoàn  văn công vừa đàn, vừa hát ở chiến hào cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. 

Chiến sĩ vô cùng phấn khởi, vừa chạy theo vừa hát bài Chiến sĩ Việt Nam: Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống ta coi thường… Tiếng hát, tiếng đàn, cùng với tiếng súng tạo nên cảnh xuất quân hùng vĩ chưa từng có. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi được chứng kiến cảnh xuất quân hùng tráng như thế. Và sau một giờ chiến đấu, đồng chí Trần Can, Tiểu đội trưởng xung kích đầu tiên đã tiến vào Sở chỉ huy của địch, tiêu diệt được Sở chỉ huy của Đại đội và cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” đầu tiên ở Điện Biên Phủ. 

Đó là một thắng lợi cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các đơn vị khác. Đến 20 giờ 30 phút, các đơn vị bạn cũng đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam, mở ra cánh cửa thép và tiền lệ rất sung sướng là chúng ta có thể dùng sức mạnh đoàn kết, ý chí của chúng ta để đánh vào sức mạnh của địch và chúng ta đã giành chiến thắng. Có thể nói, những tình cảm và lời cặn dặn, khích lệ của Người, cùng lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, không quản ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm giành chiến thắng mở màn Chiến dịch.

Chống mọi biểu hiện của “hữu khuynh tiêu cực”

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Tài, thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử do nhiều nhân tố tạo thành, trong đó, cuộc vận động chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho Chiến dịch do Đảng ủy Mặt trận và các cấp ủy lãnh đạo là yếu tố có ý nghĩa quyết định.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho biết,  sau đợt tiến công lần thứ nhất, ta mở cuộc tiến công lần thứ hai với nhiệm vụ đào chiến hào bao vây, tiến công địch tới từng cứ điểm. Ông xúc động kể lại: “Đào trận địa, chiến đấu, kéo pháo không phải chỉ 56 ngày đêm, mà từ khi hành quân đến lúc đó thời gian đã hơn 3 tháng. Đào hào nhiều gian khổ, lại bị bom đạn của đối phương liên tục dội xuống khiến nhiều chiến sĩ hi sinh. 

Thời gian kéo dài khiến một bộ phận chiến sĩ mệt mỏi, có biểu hiện tư tưởng hoang mang, dao động. Lúc đó, vào thời điểm đầu mùa mưa, cho nên bùn lầy, ảnh hưởng việc đi lại, đời sống bộ đội khó khăn, gian khổ. Cho nên, bộ đội có phần nào bi quan và có những tư tưởng “hữu khuynh tiêu cực”. Nếu không giải quyết tư tưởng mệt mỏi, muốn lui về phía sau nghỉ ngơi ấy và cả những người dao động, không muốn chiến đấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn cục của trận chiến đấu. Đảng ủy Mặt trận quyết định mở hội nghị sơ kết đợt chiến đấu thứ 2, dưới tiêu đề: “Chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng trên chiến dịch”.

Một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng được tổ chức ngay tại mặt trận. Tất cả cán bộ trung đoàn, đại đoàn lên họp. Mở đầu hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch báo cáo tổng hợp tình hình các chiến trường trên toàn quốc, tình hình ta và địch trên mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi phân tích những thắng lợi đã đạt được và những hạn chế, những trận đánh không thành công của ta thì mới nêu lên nội dung phải “chống hữu khuynh tiêu cực, phải nâng cao quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ”. 

Những cán bộ, những đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ bị phê bình nghiêm khắc. Trong hội nghị đó, Đảng ủy Mặt trận tuyên bố đưa một Tiểu đoàn trưởng đang chỉ huy đánh địch ở đồi A1 rút về phía sau khi chưa có lệnh ra tòa án binh. Đấy là lần đầu tiên một cán bộ cấp Tiểu đoàn ở đơn vị chủ lực bị đưa ra tòa án binh xét xử vì hoang mang dao động. Đây là một cuộc đấu tranh rất quyết liệt về mặt tư tưởng, để nâng cao khí thế của quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó có nói một câu như thế này: 

“Phạm những khuyết điểm như thế, không phải là do cán bộ chúng ta thiếu kinh nghiệm mà là do thiếu tinh thần quyết tâm chiến đấu, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, kỷ luật không nghiêm. Cho nên cần phải khắc phục các biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực”. Đây là một quyết định lớn thứ hai sau quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đó là một cú hích về tinh thần, tư tưởng. Ngay sau cuộc hội nghị phê bình và tự phê bình, tất cả các Đảng ủy Trung đoàn, Tiểu đoàn đến Chi bộ đều kiểm điểm những biểu hiện của “hữu khuynh tiêu cực” đối với chức trách, nhiệm vụ của mình và nêu cao thành tích, gương chiến đấu, các ưu điểm tích cực của từng chiến sĩ. 

Từ tháng 4 năm 1954 đến cuộc tiến công lần thứ 3, quân ta đã tạo nên khí thế, phong trào thi đua mới. Sau khi được chấn chỉnh, phát huy khí thế cách mạng và tinh thần tiến công, mọi người nhận rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm phải tiêu diệt cho bằng được địch ở Điện Biên Phủ với bất cứ sự khó khăn, gian khổ nào. Các đơn vị bừng lên một khí thế chiến đấu bằng hành động cụ thể. Đó là tích cực đào trận địa, tích cực tiến về phía trước và quan trọng nhất là phong trào đánh lấn, bắn tỉa, đoạt dù chiến lợi phẩm diễn ra sổi nổi khắp các đơn vị. 

“Đó là thành công rất lớn của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội mà địch không bao giờ có được. Về bài học quyết tâm chiến đấu chống mọi biểu hiện của “hữu khuynh tiêu cực” đã khắc sâu vào tâm trí tôi và nhiều cán bộ khác trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình. Ngày nay, Đảng ta kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên phải chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách chịu trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên nên bài học kinh nghiệm của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị”-Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, 70 năm đã trôi qua, tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng vẫn vẹn nguyên, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TRẦN ĐỨC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ