A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ

 

QPTĐ-Ngày 31-5 vừa qua, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của những người dễ bị tổn thương nói chung, quyền của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Quyền của phụ nữ

Phụ nữ là nhóm đông nhất trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương nên vấn đề quyền của phụ nữ thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế. Nhiều tài liệu cho thấy, ngay từ thời kỳ cách mạng tư sản Pháp (thế kỷ XVIII), ở châu Âu đã xuất hiện các phong trào đấu tranh của phụ nữ chống lại sự bóc lột kinh tế và sự phân biệt đối xử với họ trên phương diện chính trị, xã hội. Về sau, các phong trào đó được gọi chung là phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ. Xét chung, phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ và các phong trào đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc là những cuộc vận động mang tính toàn cầu nhằm xoá bỏ ba hình thức bất bình đẳng chủ yếu trong xã hội loài người đó là bất bình đẳng về chủng tộc, giai cấp và giới.

Cũng như vấn đề quyền con người nói chung, các cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ cũng được bắt đầu từ cấp độ quốc gia rồi dần phát triển trở thành những phong trào quốc tế, có ảnh hưởng và tác động đến pháp luật quốc tế. Mặc dù vậy, quyền bình đẳng của phụ nữ mới chỉ được chính thức đề cập trong luật quốc tế kể từ khi Liên hợp quốc ra đời.

Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự “bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và đàn ông...”. Ba năm sau đó (1948), UDHR xác lập nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền và tự do một cách bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt nào về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và các yếu tố khác. Tiếp theo UDHR, một loạt điều ước quốc tế đã được Liên hợp quốc thông qua nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962... Nguyên tắc bình đẳng nam nữ cũng được khẳng định trong cả hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người năm 1966 là ICCPR và ICESCR.

Các văn kiện kể trên bước đầu đã xác lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm bảo đảm vị thế bình đẳng của phụ nữ với đàn ông trong cương vị chủ thể của các quyền con người, nhưng chưa đưa ra được những giải pháp để bảo đảm cho họ hưởng thụ đầy đủ các quyền đó trên thực tế. Vì vậy, năm 1967, Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Văn kiện này là tiền đề cho sự ra đời của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 18-12-1979. Công ước này có hiệu lực từ ngày 3-9-1981, tính đến năm 2015, đã có 189 quốc gia thành viên, là một trong hai điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia thành viên cao nhất (chỉ đứng sau Công ước về quyền trẻ em). Tuy nhiên, CEDAW cũng là một trong số các điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia bảo lưu (một số điều khoản) cao nhất.

Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II tổ chức ở Viên (Áo) năm 1993 đã tái khẳng định trong văn kiện chính thức cuối cùng (Tuyên bố Viên và Chương trình hành động) rằng: “Quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến”. Với sự khẳng định này, cuộc đấu tranh vì các quyền bình đẳng của phụ nữ được lật sang một trang mới, theo đó, tất cả những mối quan tâm của phụ nữ sẽ được lồng ghép vào các chương trình, hoạt động về quyền con người.

Quyền của phụ nữ ở Việt Nam

Trong suốt thời kỳ phong kiến và thời kỳ thực dân Pháp cai trị, do ảnh hưởng của Nho giáo và một số tập tục truyền thống khác, phụ nữ Việt Nam bị phân biệt đối xử nặng nề. Họ bị cho là thấp kém hơn nam giới, bị “trói chặt” vào công việc tề gia, nội trợ mà không được tham gia công việc xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng thời giải phóng phụ nữ Việt Nam khỏi địa vị phụ thuộc vào đàn ông đã kéo dài từ nhiều thế kỷ. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới (Hiến pháp năm 1946) đã khẳng định: “Tất cả quyền lực trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, nam nữ, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo... phụ nữ bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện”. Bình đẳng nam nữ từ đó là một trong những nguyên tắc hiến định xuyên suốt trong tất cả các Hiến pháp của Việt Nam. Mới nhất là Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Trên cơ sở Hiến pháp 2013, quyền của phụ nữ được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động và đặc biệt là Luật Bình đẳng giới năm 2006 với mục tiêu: “Xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Trong lĩnh vực chính trị, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định hướng dẫn, giao chỉ tiêu nữ cho từng địa phương tuyên truyền, vận động để quần chúng hiểu và bầu đại biểu nữ vào các cơ quan Đảng, Quốc hội và chính quyền các cấp. Nhờ đó, tỷ lệ nữ trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, đoàn thể quần chúng ngày một tăng thêm; ngày càng nhiều phụ nữ giữ các trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và được trọng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung. Quốc hội khóa XV có 499 đại biểu thì có 151 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%.

Bình đẳng giới trong lao động cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ở nước ta luôn đạt trên 30%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra về bình đẳng giới trong giáo dục. Tỷ lệ giáo viên nữ các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn đào tạo rất cao, không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đã được cải thiện, đặc biệt người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học cơ sở tăng lên hàng năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỉ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%; tỉ lệ nữ tốt nghiệp đại học khoảng 53%; tỉ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%; tỉ lệ tiến sĩ đạt 30,8%.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, bình đẳng giới trong gia đình là một trong những vấn đề thách thức đối với Việt Nam. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, tạo ra những trở ngại không nhỏ với sự nghiệp giải phóng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, bạo lực gia đình là một vấn đề nhức nhối, nan giải. Nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách, chương trình can thiệp, ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực gia đình, Quốc hội quyết định sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được soạn thảo dựa trên cách tiếp cận quyền con người, kết hợp các bài học, kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế. Đó là phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trọng tâm là đặt các nhu cầu và ưu tiên của nạn nhân bị bạo lực được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống ứng phó và xây dựng chính sách. Nạn nhân bị bạo lực được bảo đảm các quyền như: Được đối xử với nhân phẩm và sự tôn trọng; có toàn quyền tiếp cận với môi trường an toàn, hỗ trợ, không phán xét; có quyền tiếp cận thông tin thích hợp; được tạo điều kiện để đưa ra lựa chọn và quyết định sáng suốt; được hưởng quyền về sự riêng tư và bí mật.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ, song Việt Nam quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội, đảm bảo tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ.

Minh Đức
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ