A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống mua bán người để bảo đảm an ninh con người

 

QPTĐ-Tội phạm mua bán người trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh con người, các quyền cơ bản của con người. Vì vậy, mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Ở Việt Nam, phòng chống mua bán người là một trong những trọng tâm trong công tác phòng chống tội phạm nhằm bảo đảm tốt an ninh con người.

3 đối tượng trong đường dây tội phạm mua bán người bị lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ.

An ninh con người và tội phạm mua bán người

Khái niệm an ninh con người do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra đầu tiên vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người. UNDP cho rằng: An ninh con người “là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày”. Bảo đảm an ninh con người là việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe dọa giúp mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung có được môi trường sống an toàn và cơ hội phát triển.

Theo UNDP, bảo đảm an ninh con người được thể hiện trên bảy phương diện: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Như vậy, an ninh con người được đặt ra trong sự hòa quyện và tương hỗ với những nội dung an ninh khác, an ninh con người có mối quan hệ với thời đại, xã hội và môi trường tự nhiên. Đến lượt mình, an ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu, hòa bình thế giới.

Tội mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người,…coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.

Mua bán người là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm thu lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bóc lột các nạn nhân dưới nhiều hình thức khác nhau như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy và buôn bán nội tạng… Hành vi mua bán người được thực hiện với nhiều thủ đoạn khác nhau như: Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt; đe dọa, ép buộc, lợi dụng quyền hành; bắt cóc; xin con nuôi, môi giới hôn nhân trá hình… Đối tượng của tội phạm mua bán người có thể là bất kì ai nhưng tập trung chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. 

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng 11,7 triệu người (chiếm 70% số nạn nhân bị mua bán trên thế giới, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái; 45% là nam giới).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Theo Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước phát hiện 34 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người. Các cơ quan chức năng đã truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ. Nạn buôn bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... 

Những dữ liệu trên cho thấy, Việt Nam đang ở trong “điểm nóng” và phải chịu áp lực rất lớn về nạn buôn bán người. Mặt khác, vị trí địa lý của Việt Nam khiến nước ta trở thành “điều kiện thuận lợi” của nạn mua bán người. Với khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại, nhất là biên giới Việt Nam-Trung Quốc, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân, nhưng các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người qua biên giới.

Phòng chống mua bán người ở Việt Nam

Nhìn nhận tình hình tội phạm mua bán người liên tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Chính phủ triển khai Chương trình 130/CP (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ) và Luật Phòng, chống mua bán người. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình 130/CP, lồng ghép với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Một loạt các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành nhằm trừng trị nghiêm khắc tội phạm mua bán người.

Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, đặc biệt là hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7". Ở các địa phương, từ năm 2019 đến nay, hơn 100 nghìn sự kiện truyền thông cộng đồng đã được tổ chức cho trên 5 triệu lượt người tham dự. Cùng với đó, hơn 1.000 lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cũng được tổ chức cho cán bộ các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 địa phương; xây dựng, duy trì hoạt động gần 1.100 câu lạc bộ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em tự tin, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả, qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống mua bán người; tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế…

Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương của Việt Nam quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; tăng cường thông tin, tuyên tuyền; chủ động, quyết liệt tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, Việt Nam cũng rất cần sự ủng hộ, phối hợp của các quốc gia, tổ chức quốc tế có cùng mối quan tâm đối với hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ