A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi lòng tham trở thành tội ác!

QPTĐ-Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 21/11) kết luận, phấn đấu từ nay đến hết năm 2023, kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xử sơ thẩm 7 vụ án; xử phúc thẩm 3 vụ án; tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, các tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB…

Thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 

về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 22/11/2023).

(Ảnh: Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương)

Tuần qua, dư luận lại nổi sóng khi Cơ quan Điều tra đề nghị truy tố 86 bị can với 6 tội danh, vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị (có 23 bị can là cán bộ công chức, viên chức, lãnh đạo cấp vụ, cục, thanh tra, kiểm toán, ngân hàng…). Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội danh: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng…”; bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhận hối lộ 5,2 triệu USD (hơn 118 tỉ đồng).

Theo CO3, được bị cáo Nhàn bao che, giúp sức; bị cáo Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản; thao túng, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỉ đồng, trong số hồ sơ vay vốn hợp thức hóa hơn 415.000 tỉ đồng. Hiện, với 916 hồ sơ được bị cáo Lan chỉ đạo lập khống, vay vốn, rút tiền của Ngân hàng SCB phục vụ mục đích cá nhân, các khoản vay này còn mắc nợ hơn 545.000 tỉ đồng. Tai họa đổ lên chủ đầu tư, người gửi tiền tiết kiệm, trái phiếu, họ là nạn nhân bị lừa đảo, bị lạm dụng tín nhiệm. Kinh hoàng, bị cáo Nhàn (Cục trưởng Thanh tra) nhận lót tay từ Ngân hàng SCB: 5,2 triệu USD-Một vụ tham ô khủng?

Từ vụ án này, gợi người ta nhớ đến những vụ hối lộ đình đám. Vụ chuyến bay giải cứu công dân, xét xử sơ thẩm (7/2023) với 54 bị cáo, có 4 án Chung thân tội “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có số tiền: 18,8 tỉ-25 tỉ-27 tỉ và 42 tỉ đồng (khoảng gần 1 triệu đến 1,8 triệu USD/mỗi bị cáo). Vụ án bán kit test Covid-19 tại Công ty Việt Á, Chủ tịch-Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt dùng 3,45 triệu USD hối lộ và 800 tỉ đồng “bôi trơn”; người nhận lót tay số tiền cao nhất là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD. Vụ án xảy ra tại Quảng Ninh và Công ty NSJ vừa xét xử (10/2023), cựu Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Vũ Liên Oanh nhận hối lộ 30,6 tỉ đồng (gần 2 triệu USD).

Nhớ lại phiên tòa phúc thẩm (4/2020), Tổng công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG gây thiệt hại hơn 6.590 tỉ đồng. Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ dùng hơn 6 triệu USD hối lộ 4 quan chức: Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông) 3 triệu USD (năm 2015); Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐQT Mobifone) 2,5 triệu USD; Cao Duy Hải (Tổng giám đốc Mobifone) 0,5 triệu USD; Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông) 0,2 triệu USD. Bị can Nguyễn Bắc Son bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án Tử hình và chỉ được Tòa tuyên phạt Chung thân sau khi nộp lại 3 triệu USD nhận hối lộ. Và 3 cựu quan chức kia cũng nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo Vũ lót tay.

Vụ Mobifone-AVG là đại án có số tiền thất thoát lớn, tham ô khủng trong nước, giai đoạn 2015-2020. Thế nhưng, nếu so với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và đơn vị liên quan, đang trong giai đoạn điều tra thì chỉ là…“mỗi đốt inox”, khiến người dân không khỏi phân tâm, lo lắng. Và còn biết bao người là nạn nhân của tệ tham ô khi lòng tham bất nhẫn trở thành tội ác?

Minh Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ