A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt trái phép?

QPTĐ-Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) thông tin: Trong 5 tháng đầu năm 2023, số việc thụ lý mới tăng hơn 58.000 việc (tương đương hơn 84.700 tỉ đồng-tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2022); số thụ lý mới về tham nhũng, kinh tế tăng 324 việc (tương ứng tăng gần 14.400 tỉ đồng-tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng kết quả thi hành án rất khả quan. Đã thi hành xong số tiền hơn 45.000 tỉ đồng (tăng hơn 19.900 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022); án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 651 việc với số tiền hơn 17.383 tỉ đồng (tăng gần 11.900 tỉ đồng so với cùng kỳ). Tuy nhiên số tiền còn nợ đọng, chưa thu hồi được và khả năng khó thu hồi rất lớn, đang khiến cơ quan thi hành án “đau đầu”.

Cán bộ, nhân viên Cục Thi hành án dân sự không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Điểm qua vài vụ đại án, thật đáng giật mình. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Phòng giao dịch Ngân hàng ViettinBank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) phải thi hành án hơn 15.141 tỉ đồng, mới thu hồi hơn 409 tỉ đồng, còn nợ đọng hơn 14.732 tỉ đồng.  Vụ án Hứa Thị Phấn (Cố vấn cao cấp ngân hàng) chiếm đoạt 42.759 tỉ đồng, thu hồi hơn 28.114 tỉ đồng, còn nợ hơn 14.644 tỉ đồng. Vụ án Trần Phương Bình (Phó Chủ tịch Ngân hàng Đông Á-DAB) phải thi hành án hơn 3.978 tỉ đồng, đã thi hành gần 248 tỉ đồng, còn nợ hơn 3.730 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) chiếm đoạt 11.743 tỉ đồng, thi hành hơn 6.235 tỉ đồng, còn đọng hơn 6.226 tỉ đồng.

Tương tự, hàng chục vụ đại án kinh tế, tham nhũng xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn gây thất thoát hàng chục tỉ đồng của Nhà nước, gây mất lòng tin không hề nhỏ.

Nhằm khắc phục các thiếu sót, tồn tại trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng, bị chiếm đoạt trái phép của cac bị cáo, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời chỉ đạo, sửa luật và các văn bản dưới luật nhằm răn đe, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã thực sự vào cuộc chỉ đạo, theo dõi các vụ án lớn, án điểm cùng với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp và các địa phương phối hợp hoạt động, ngày càng có hiệu quả rõ rệt.

Vụ án Tổng công ty Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng (xét xử năm 2020), buộc các bị can nộp lại hơn 6 triệu USD nhận hối lộ; các bị cáo và chủ doanh nghiệp cũng hoàn trả đủ số tiền chiếm đoạt trái phép. Đây được xem là vụ án lớn, Nhà nước thu đủ số tiền bị thất thoát và kẻ nhận hối lộ, đưa hối lộ phải nộp lại hàng trăm tỉ đồng, không thể “ngậm miệng ăn…đô la”.

Vụ án “giải cứu công dân” (xét xử tháng 7/2023), toàn bộ 54 bị cáo phải nhận án tù, trong đó có 4 án Chung thân, đã thu hồi gần 90% trong tổng số gần 500 tỉ đồng đưa hối lội, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và 1,85 triệu USD; đồng thời đã phong tỏa, kê biên tài sản (tài khoản ngân hàng, cổ phiếu, nhà đất, vàng, ngoại tệ) để thi hành án. Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á thổi giá, bán kit xét nghiệm Covid-19, CO3 và Công an các tỉnh, thành phố khởi tố, đề nghị truy tố 100 bị can nhận “hoa hồng lot tay” gần 800 tỉ đồng; đã thu hồi 1.700 tỉ đồng…

Thế mới hay, bài học thời sự là, khi cơ quan điều tra “vào cuộc” phải lập tức phong tỏa, kê biên tài sản, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản chiếm đoạt, hòng “đi chuyến tàu vét”, “hy sinh đời bố củng cố đời con” của tội phạm!

Nhật Kiều

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ