A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X

QPTĐ-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tổ chức, động viên phong trào thi đua yêu nước. Người coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mọi thời kỳ cách mạng, bởi đó chính là nền tảng, là động lực của sự phát triển, là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Với những thành quả to lớn đóng góp vào công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống với nhiều kinh nghiệm, bài học mang ý nghĩa văn hóa-xã hội, nhân văn sâu sắc.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo đời sống cho nhân dân.

Dấy lên phong trào thi đua

Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc và Sắc lệnh số 196-SL quy định thành phần Ban Vận động thi đua ái quốc nhằm xây dựng bộ máy chuyên trách về thi đua. Ngày 11/6/1948, Người ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước. 

Lời kêu gọi được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hi sinh gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Ngay từ khi phát động, để đáp ứng tình hình kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của thi đua lúc này là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Muốn đạt mục đích ấy, thì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, lớn, nhỏ tùy theo điều kiện, khả năng, ai cũng đều cần phải thi đua.

Mục đích của thi đua rất cao cả, nhưng không phải cao xa, khó hiểu, khó làm, mà trong mọi việc đều có thi đua. Thi đua từ những việc rất nhỏ, rất quen thuộc hằng ngày như ăn mặc cho hợp thời, hợp cách, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, thi đua trong lao động tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua trong học tập, trong rèn luyện và chiến đấu, trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động… và như thế “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, dựa vào đó mà phát động mọi phong trào.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương châm “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”, đó chính là sự kết hợp giữa huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân, huy động sức dân, phát huy tinh thần và lực lượng của dân xét đến cùng là để mang lại hạnh phúc cho dân. Đó cũng là tính nhân văn, triệt để của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đi vào cách làm cụ thể, Người nêu lên bổn phận của mỗi người dân yêu nước trong hoạt động thực tiễn, từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, những người phú hào, đến công nhân, nông dân, trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội, dân quân, theo tinh thần: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Người phê bình nhận thức tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hằng ngày và giải thích, thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua.

Sự vận dụng sáng tạo hiện nay

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, qua 9 kỳ đại hội, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua trong phạm vi cả nước đã có bước phát triển, dần đi vào nền nếp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương tổ chức được nhiều phong trào thi đua; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.

Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” được ban hành ngày 07/4/2014, các phong trào thi đua trong cả nước được tiếp sức, phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng, miền, địa phương trong cả nước với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức.

Điển hình như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Về mặt thúc đẩy kinh tế doanh nghiệp, có Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được triển khai đúng thời điểm, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ vậy, nền kinh tế doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh, bền vững, từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Các phong trào thi đua yêu nước đã kịp thời động viên, cổ vũ tập thể, cá nhân hăng hái lao động sản xuất với năng suất, chất lượng cao; gương người tốt, việc tốt trong đời sống; cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang quên mình bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên giới cũng như tại các vùng biển đảo.

72 năm đã đi qua, cả nước lại hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X. Đại hội sẽ tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước trong 05 năm qua (2016-2020); tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hải Yến
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ