A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 15/4/1954: Trung đoàn 141 chạm trán với lực lượng Pháp đi giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6)

 

QPTĐ-Tại Phân khu Nam, vào lúc 16 giờ ngày 15/4/1954, một chiếc máy bay C.119 bay đến lượn mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận địa của ta. Xẩm tối, chiến sĩ ta ra lấy dù, thấy có một chiếc hòm đã đưa về Sở Chỉ huy Trung đoàn 57. Trong hòm toàn những gói quà gồm: Thuốc lá, rượu, xúc xích, jăm-bông, áo may ô, lưỡi dao cạo râu và một lá thư màu hồng sực mùi nước hoa của vợ Đờ Cát-xtơ-ri gửi cho chồng nhân dịp được thăng quân hàm cấp tướng.

Đơn vị xin ý kiến Bộ Chỉ huy mặt trận cách xử lý với lá thư. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm nói nên chuyển lại cho Đờ Cát-xtơ-ri.

Ta thông báo trên bộ đàm. Chỉ một giờ sau, đúng theo quy ước, một tên lính Pháp mang cờ trắng tới địa điểm hẹn, nhận lá thư đem về Mường Thanh.

Chung quanh cụm cứ điểm Hồng Cúm, các chiến sĩ súng trường, súng máy, sơn pháo, các cỡ súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ địch xuất hiện. Sau nhiều lần bị ta đánh lừa, ban ngày quân địch không dám đi lại, không dám nhô đầu lên khỏi chiến hào. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như một trận đánh có xe tăng đi kèm và pháo bắn hiệp đồng.

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra trên khu vực Đồi C. (Ảnh TTXVN)

Đêm 15/4/1954, chiến hào của Trung đoàn 88 ở phía Tây và chiến hào Trung đoàn 141 ở phía Đông đều vượt qua 5 lần rào tiến vào sân bay... Nhận thấy sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi và Cứ điểm 105 (Huguette 6) ở đầu Bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, Đờ Cát-xtơ-ri ra lệnh Lăng-gơ-le lập tức tiến hành giải tỏa sân bay, trước hết là tiếp tế cho Cứ điểm 105. Sau đó, Lăng-gơ-le huy động ba tiểu đoàn dù số 1, số 2 và số 6 mở cuộc hành binh giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105. Lúc đó, binh lính lê dương ở cứ điểm này không chỉ thiếu đạn dược, mà còn thiếu cả nước uống.

Rạng sáng cùng ngày, đoàn quân của địch đi giải tỏa đã chạm đường hào của Trung đoàn 141 trên sân bay, cuộc chiến đấu diễn ra suốt bốn giờ liền địch mới mở được đường cho đám dân phu mang đồ tiếp tế đến cho Cứ điểm 105. Lúc xuất phát trong đám phu có 35 người gánh nước, khi tới đồn chỉ còn 7 người và 5 thùng nước. Lính trong đồn đành phải chia nhau dè sẻn, mỗi ngày mỗi tên chỉ được phân phát một ca nước trong lúc trời rất nóng nực.

Tại các chiến trường phối hợp:

Ngày 15/4/1954, tại Hải Dương, Đại đội 923 huyện Kinh Môn đánh vị trí Chùa Hang, diệt và bắt 35 tên địch. Đào hào là một trong những bí quyết để những cánh quân của ta thắt chặt vòng vậy, tấn công địch bất ngờ và nhanh chóng. Những câu chuyện đào hào được kể lại trong cuốn “Ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ”, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Trần Độ chủ biên

“Đêm 15/4/1954, các chiến sĩ trung đoàn Đầm Hà đem theo cuốc, xẻng tiến vào sân bay. Đại đội trưởng Bang dẫn đầu cùng các chiến sĩ quân báo vượt một đường hào rất rộng, vốn là rãnh thoát nước nằm dọc sân bay, cũng là đường hào địch dạng đề cơ động bộ đội.

Sáng hôm sau, mãi đến lúc màn sương sớm đã tan đi, địch mới phát hiện được việc làm của ta. Nhưng đường hào đã đào vào đến hàng rào thứ tư. Chúng đưa xe tăng và bộ binh ra đánh chiếm lại trận địa, nhưng bộ đội phòng ngự của ta đã đánh bật chúng trả lại. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt
ngày.

Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. 
 

Đêm hôm ấy, địch bắn rất dữ vào đầu hào ta ở lớp rào thứ tư. Các chiến sĩ lên đào trận địa mấy lần đều bị thương vong. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Thuần tìm mọi cách để khắc phục khó khăn tiếp tục đẩy chiến hào lên phía trước. Anh kiên quyết tung bộ đội vào sâu hẳn bên trong, rồi từ trong đó đào ngược ra.
Khi địch phát hiện được việc làm này thì đầu hào của ta đã nối liền với con hào của địch chạy dọc theo sân bay và các chiến sĩ Đầm Hà đã nhìn thấy bóng các chiến sĩ đơn vị bạn thấp thoáng ở phía Tây, sau xác 2 chiếc máy bay địch.
Thế là từ nay trên sơ đồ tác chiến tại mặt trận xuất hiện một vị trí mới: Ngã tư Đầm Hà. Ngã tư Đầm Hà được nhắc tới nhiều lần trong báo cáo tác chiến hằng ngày. Đó chính là nơi đường hào của đơn vị Đầm Hà đào vào cắt đường hào của địch ở sân bay. Ta và địch giằng co quyết liệt ngã tư này. Đối với địch, để mất ngã tư này tức là bỏ mặc cho sân bay bị cắt đứt. Đối với ta, không chiếm lấy ngã tư này là không thực hiện được nhiệm vụ cắt đứt sân bay.

Theo Nhân dân điện tử

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ