A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 28/4/1954: Cônhi điện cho Nava báo cáo kết quả thả dù cứu viện chỉ là con “Số không”

QPTĐ- Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị quân ta khống chế, địch chỉ còn cách thả dù. Trong ngày, bộ đội ta tiếp tục dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn địch dưới mặt đất, đồng thời tích cực bắn máy bay triệt nguồn tiếp viện của địch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao Cờ Quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công.

Ảnh: Tư liệu

Trong thời gian này, lực lượng pháo cao xạ của Đại đoàn 351 cùng các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh tạo thành hệ thống lưới lửa khống chế sân bay Mường Thanh và bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3 kilômét trở xuống. Do vậy, máy bay địch phải thả dù ở độ cao trên 3 kilômét, cho nên 1/3 số dù đó đã rơi vào khu vực trận địa của ta.

Tình hình tiếp tế khó khăn đến nỗi Cônhi phải điện cho Nava báo cáo: “Kết quả thả dù tiếp viện cho Điện Biên Phủ ngày 28, đêm 28, ngày 29, đêm 29: Số không. Chỉ có Isabelle là nhận được 22 tấn”.

Theo điện báo cáo của Đờ Cát-xtơ-ri gửi Cônhi trước thời điểm quân ta mở đợt tiến công thứ ba thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ còn 275 viên đạn 155mm, 14 nghìn viên đạn 105mm, 5.000 viên đạn 120mmm và yêu cầu của Đờ Cát-xtơ-ri là tiếp tế khẩn cấp.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ của giặc Pháp ở Điện Biên.

Ảnh: Tư liệu

Cùng ngày, các đại đoàn chủ lực của ta triển khai kế hoạch và làm công tác chuẩn bị cho tiến công đợt 3. Quân địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (Kế hoạch Côngđo) nhưng bị thất bại.

Trên chiến trường phối hợp: Ngày 28/4/1954, quân ta đột nhập thị xã Nam Định tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn ngụy binh, bắt 20 cảnh binh ác ôn, 505 ngụy binh. Sáng hôm sau, quân ta lại chặn đánh quân tiếp viện của địch, diệt 100 tên; quân ta thu được 517 súng các loại, 105 hòm đạn, phá hủy 5 xe tăng, 21 xe các loại, một máy bay và 21 đại bác, đại liên của địch.

Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, từng giờ, từng phút, mỗi quyết định đưa ra đều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, bộ đội ta khó tránh khỏi tâm trạng khẩn trương, căng thẳng. Những lúc như vậy, mỗi câu ca lời hát cất lên đều thật ý nghĩa, đó là liều thuốc tinh thần mang đến nguồn năng lượng mới cho chiến sĩ ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ về cảm xúc đặc biệt ấy trong cuốn "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1964) do nhà văn Hữu Mai chắp bút: "Cuối tháng ba, cạnh căn lán, xuất hiện một công trình mới của các đồng chí công binh. Một đường hầm dành cho việc chỉ huy tác chiến, với đủ phòng làm việc, phòng hội họp có trang bị đèn điện và máy nói, dài trên ba trăm mét chạy xuyên qua trái đồi… Tình hình chiến dịch vào tháng tư này khá căng thẳng.

Sau những ngày họp hội nghị sơ kết đợt hai, tôi vẫn còn mệt. Một buổi chiều, mấy đồng chí nam nữ văn công tươi cười bước vào căn lán. Anh chị em nghe tôi bị mệt nên rủ nhau đến thăm. Vốn biết tôi thích âm nhạc nên anh chị em mang theo một cây đàn. Hôm ấy, ngoài những bài hát: Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa…, các đồng chí văn công còn hát cho tôi nghe một số bài ca quan họ Bắc Ninh. Những cánh đồng xanh, những cánh cò bay dìu dặt, những bờ tre, mái đình như hiện ra trước mắt qua những câu hát dân tộc. Tôi thường ngày vốn rất thích âm nhạc, nhưng chưa bao giờ tôi nghe âm nhạc hay như trong những giờ phút khẩn trương, căng thẳng tại mặt trận”.

Theo Nhân dân điện tử

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ