A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận đánh sân bay Bạch Mai

 

QPTĐ-Nhằm phối hợp với chiến trường toàn quốc, Thành ủy và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định phát động một đợt hoạt động, lấy hoạt động quân sự làm trung tâm. Cuối năm 1949, sau khi được đồng chí Hải (tức Chu Duy Kính) báo cáo tình hình hoạt động, cách bố phòng và sự sơ hở của địch trong sân bay Bạch Mai, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã triệu tập họp Thường vụ Thành ủy ra chủ trương tổ chức đánh sân bay Bạch Mai nhằm: Phá hủy phương tiện chiến tranh hiện đại, gây thiệt hại lớn, làm hạn chế việc chi viện, tiếp tế cho các chiến trường của địch, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quân, dân Hà Nội đang bị địch kìm kẹp, khủng bố. Thường vụ Thành ủy xác định cách đánh: Sử dụng một số ít cán bộ, chiến sĩ mưu trí, gan dạ, linh hoạt bí mật đột nhập vào sân bay, dùng mìn nổ chậm phá hủy hầu hết các máy bay trên sân đậu và kho xăng. Tư tưởng chỉ đạo là: Tuyệt đối giữ bí mật về trận đánh, chỉ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp luồn vào sân bay mới được biết nhiệm vụ và tập trung trong suốt thời gian chuẩn bị; công tác huấn luyện, luyện tập thực hiện vào ban đêm nhưng phải hết sức khẩn trương.

Những chiến sĩ trực tiếp tham gia trận tập kích chụp ảnh với Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 108 Trần Hải. 

Sân bay Bạch Mai cách trung tâm Hà Nội chừng 3 ki-lô-mét về phía Nam, được bao bọc bằng những hàng rào thép gai, ao hồ và hệ thống hào sâu. Lực lượng bảo vệ gồm một đại đội lính Âu-Phi và một trung đội lính dù. Xung quanh sân cỏ có nhiều đèn pha và lô-cốt. Xe bọc thép, xe ô tô và lính bộ binh thay phiên nhau tuần tiễu nghiêm mật.

Đánh sân bay Bạch Mai là chủ trương sáng suốt của Thành ủy, vì đây là một trong những mục tiêu hiểm yếu của địch trên địa bàn Hà Nội, nơi máy bay địch xuất phát tiếp viện cho quân đội Pháp trên chiến trường Bắc Bộ. Đánh sân bay Bạch Mai vừa phá huỷ phương tiện chiến tranh, vừa cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân Hà Nội. Sân bay nằm tiếp giáp giữa nội thành với ngoại thành, rất thuận tiện cho bộ đội ta từ ngoại thành vào tiếp cận. 

Nhiệm vụ đánh sân bay Bạch Mai được Ban chỉ huy Mặt trận giao cho Tiểu đoàn 108 thực hiện với phương châm "bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao". Để thành lập đội tập kích sân bay Bạch Mai, Ban chỉ huy Tiểu đoàn chọn trong 400 người lấy 32 người đều là cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, là đảng viên và đoàn viên, mạnh khỏe và dũng cảm. Đội do đồng chí Hà Giáp làm Đội trưởng, đồng chí Trần Thành làm Chính trị viên. Đồng chí Chu Duy Kính vừa tham gia huấn luyện vừa trong đội hình chiến đấu. Đơn vị chọn thao trường gần giống sân bay làm nơi luyện tập, học cách hành quân cải trang, cách tiềm nhập, cách công kênh nhau để ngoắc mìn lên máy bay, cách điểm hỏa.

Trong khi đó, tại vùng hậu cứ (ở tỉnh Hòa Bình), Công binh xưởng của Mặt trận Hà Nội, do các đồng chí Nguyễn Chính và Phạm Lê Ninh phụ trách, đã nghiên cứu, chế tạo thành công loại mìn chai nổ chậm trang bị cho đơn vị đánh máy bay.

Theo hiệp đồng, sau khi đột nhập vào sân bay, đúng 24 giờ ngày 17, các chiến sĩ lần lượt leo lên đặt mìn trên máy bay và gắn kíp nổ chậm. Sau khi ngoắc xong quả mìn chai cuối cùng lên động cơ máy bay, một chiến sĩ nhảy xuống, không may trượt chân phát ra tiếng động. Lính gác nổ súng, lập tức địch trong sân bay báo động. Lúc ấy đã sang ngày 18 tháng 1. Hơn 30 chiến sĩ nhanh chóng rút ra khỏi hàng rào cuối cùng chừng hơn 100m thì trong sân bay nổ dữ dội. Kho xăng bốc cháy sáng rực cả bầu trời phía Nam. Hà Nội nổi còi báo động, ít phút sau, đại bác địch ở Xuân Tảo, Văn Điển bắn tới tấp xuống xung quanh sân bay. Xe tăng, xe bọc thép, xe ô tô cảnh sát chạy đi bịt chặt các ngả đường. Không khí huyên náo tràn ngập Thành phố. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 108 lui quân an toàn ra ngoại thành. Trong trận này, ta phá huỷ 25 máy bay, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí và một số trang bị của địch.

Trận tập kích sân bay Bạch Mai của Tiểu đoàn 108 là một điển hình về phá hủy phương tiện chiến tranh của địch trên chiến trường Bắc bộ. Trận đánh chứng minh: Dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ, với vũ khí, trang bị thô sơ hiện có, ta có thể đánh phá được các mục tiêu lớn của địch ở bất kỳ nơi nào trong Thành phố. Đây là một trận đánh được tổ chức công phu, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến thuật, kỹ thuật, từ khâu lựa chọn mục tiêu, lựa chọn cách đánh, sử dụng lực lượng, đến quá trình luyện tập và thực hành chiến đấu, thiết thực góp phần vào việc hình thành lối đánh đặc công của quân đội ta sau này.

P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ