A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khát vọng nối liền hai miền đất nước đã thành sự thật

QPTĐ-Giữa tiết trời dịu mát chớm hè Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ Đại tá Nguyễn Gia Vừa, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại căn cứ Đồng Dù, cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn và Đại tá Ngô Công Nội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, người chỉ huy tiến công thần tốc vào Lái Thiêu tháng 4 năm 1975. 50 năm trôi qua kể từ ngày các ông cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ chí Minh, ký ức về trận đánh ấy vẫn in đậm trong các ông như mới vừa hôm qua.

Nhân chứng Ngô Công Nội (bên trái) và Nguyễn Gia Vừa (bên phải).

 

Năm 1971, khi đang là sinh viên của Đại học Nông nghiệp, Nguyễn Gia Vừa   quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau những tháng huấn luyện căng thẳng, ông được biên chế vào Binh chủng Tăng-Thiết giáp và trở thành kỹ thuật viên xe tăng. Hành trình chiến đấu đã đưa ông qua nhiều vùng đất, nhưng cuộc tiến công vào căn cứ Đồng Dù tháng 4/1975 là trải nghiệm không thể nào quên.

Đồng Dù-cửa ngõ chiến lược phía Tây Bắc Sài Gòn, được mệnh danh là “cánh cửa thép” của địch. Đơn vị ông là Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 phối hợp với bộ binh thuộc Sư đoàn 320, được giao nhiệm vụ đánh trực diện vào trung tâm căn cứ. Trước trận chiến, những người lính với tinh thần máu lửa, hừng hực quyết tâm chiến đấu vì Tổ quốc non sông đều mặc quần áo mới, buộc băng đỏ bên tay và in khẩu hiệu “Giải phóng Sài Gòn” trên mũ, tháp pháo như lời thề trước giờ xung trận.

Theo phương án tác chiến, Trung đoàn 48 và Đại đội Tăng 7 đánh hướng chủ yếu vào Sở chỉ huy địch. Trung đoàn 9 và Đại đội Tăng 8 tiến công theo hướng thứ yếu, nhằm tiêu diệt pháo binh và kho tàng hậu cần của địch. Một tiểu đoàn bộ binh thiếu cùng Trung đội Tăng được bố trí làm lực lượng dự bị. Rạng sáng 29/4/1975, pháo binh ta bắn chế áp, tạo điều kiện cho xe tăng xuất phát từ thôn Thuận Đức (cách Đồng Dù 6 km) tiến dần về căn cứ. Ngay khi xe tăng mở cửa đột phá, địch lập tức phản kích bằng xe tăng và hỏa lực mạnh nhằm bịt chặt lối vào. Xe tăng của Đại đội 7 trên các hướng chủ yếu không vượt qua được bức tường chống tăng; chiếc xe tăng 880 bị địch bắn xuyên sườn, khựng lại, khiến đội hình ta ùn lại trước cửa mở.

“Trong tình thế nguy cấp, tôi và đồng chí Son, lúc đó thuộc Trung đội sửa chữa, đã nhanh chóng tiếp cận chiếc xe. Nhận thấy bộ phận chuyển động của xe không bị ảnh hưởng, chỉ có duy nhất một lỗ thủng nhỏ như quả táo xuyên sườn trái (vị trí dưới thành lá chắn bùn và phía trên bánh chịu nặng số 3), chúng tôi lập tức nhảy lên xe. Khi chui vào buồng chiến đấu, tôi thấy đồng chí Đông đã hy sinh… Tim tôi quặn thắt, nhưng nhiệm vụ vẫn còn phía trước. Sau khi khắc phục sự cố, tôi nổ máy, vượt qua cửa mở tiến vào căn cứ. Khoảng 1 km sau, tăng của tôi gặp được đội hình của Đại đội Tăng 7”- CCB Nguyễn Gia Vừa xúc động kể lại. Tiến công căn cứ Đồng Dù là trận đánh then chốt đạt hiệu suất cao; sau 5 giờ giao tranh ác liệt, Tiểu đoàn Tăng 3 cùng Sư đoàn Bộ binh 320 đã tiêu diệt và bắt sống hơn 1.400 tên địch, thu giữ 13 khẩu pháo và bắn cháy 11 xe tăng-thiết giáp của địch. Ngày 30/4, Tiểu đoàn 3 cùng các lực lượng chủ lực tiến vào Sài Gòn, sau đó được lệnh quay về Hóc Môn trú quân, giữ vững địa bàn Sài Gòn và củng cố lực lượng sau giải phóng.

Bộ đội ta tiêu diệt căn cứ quân sự Đồng Dù.

50 năm trôi qua, nhưng mỗi khi đến dịp 30/4, ông Vừa không khỏi bùi ngùi, xúc động. Dù đã rời xa chiến trường, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan và kỷ luật của người lính, luôn đúng giờ và gọn gàng trong sinh hoạt hàng ngày. Ông thường xuyên tham dự các buổi họp mặt của cựu chiến binh, chia sẻ những kỷ niệm và kinh nghiệm sống với đồng đội cũ. Đối với ông, cuộc sống hiện tại là phần thưởng xứng đáng sau những hy sinh và cống hiến cho Tổ quốc.

Những chia sẻ đầy cảm xúc về căn cứ Đồng Dù của vị cựu chiến binh Nguyễn Gia Vừa là bức tranh chân thực về một người lính chiến đấu, anh dũng, vượt mọi gian khổ, hiểm nguy và đấu tranh vì tự do của dân tộc. Tại Đồng Dù, tiếng súng đạn rít vang, pháo binh bắn chế áp tạo nên bầu không khí sục sôi, nơi mà nhiệt huyết và quyết tâm của người lính được chạm đến từng giây phút sinh tử. 

Cùng thời điểm đó, tại cửa ngõ tuyến tử thủ cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn, Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 do Ngô Công Nội chỉ huy cũng đang tiến công thần tốc vào Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương). Quận Lái Thiêu nằm trên đường 13, cách Sài Gòn 15 km, là cửa ngõ của tuyến tử thủ cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Trên diện tích gần 4 km², địch bố trí 3 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn pháo binh và 1.800 quân tại trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Các vị trí địch trong khu vực đều được cấu trúc kiên cố, liên hoàn với nhau, với hơn 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ các chướng ngại vật và hào phòng thủ.

“Trong quá trình chiến đấu, Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ đánh thị trấn Lái Thiêu và tăng cường một Tiểu đoàn xe tăng áp sát phía Tây Bắc Tân Uyên, mở cửa cho Sư đoàn tiến thẳng Dinh Độc Lập. Trong suốt hơn 2 ngày chiến đấu, đến chiều 28/4/1975, chúng tôi đã làm chủ được thị xã Tân Uyên, sau đó tiếp tục hành quân tiến vào nội đô Sài Gòn”- Đại tá Ngô Công Nội kể lại với giọng đầy cảm xúc. Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu hết sức mình để đất nước được hoàn toàn giải phóng. Quân ta chủ động tác chiến, còn địch ở Lái Thiêu bất ngờ, không kịp chống trả. Lính địch ở các chốt bỏ công sự tháo chạy tán loạn, lính ngụy cởi bỏ hết quần áo, chỉ còn mặc áo lót và quần đùi chạy hai bên đường. Nhân dân khi nghe tin Lái Thiêu được giải phóng đã ùa ra đường đổ về khu vực quận Lái Thiêu, nơi có lá cờ Giải phóng cắm trên tháp cao tung bay dưới nắng sớm.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. “Cảm xúc lúc đó của tôi khó diễn tả bằng lời. Người dân hai bên đường đứng chật kín, quân giải phóng chúng tôi đi đến đâu cũng được đồng bào chào đón. Mùa xuân năm 1975 có lẽ là mùa xuân đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Sau tất cả, hai miền đất nước đã thành một thể thống nhất”- Người lính già bùi ngùi kể lại những phút giây lịch sử.

Ký ức về một thời hào hùng, anh dũng chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm trí ông Ngô Công Nội. 50 năm sau giải phóng, ở tuổi 88, ông vẫn duy trì sức khỏe ổn định và minh mẫn. Trải qua nhiều biến chuyển của thời gian, chứng kiến sự đổi thay của đất nước, ông đặt niềm tin vào thế hệ trẻ và hy vọng rằng họ sẽ luôn ghi nhớ, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông, nỗ lực học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương, bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đất nước.

Đỗ Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ