Giữa Hàng Dương vẫn nghe lời chị hát
QPTĐ-Anh hùng Võ Thị Sáu-từ cô gái nhỏ của vùng Đất Đỏ đã hóa thân thành một huyền thoại của Tổ quốc. Huyền thoại ấy không chỉ được khắc lên bằng tình yêu nước, yêu tự do, lòng dũng cảm, kiên trung, máu và tiếng hát của chị mà còn bằng sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương của hàng triệu người con đất Việt. Ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo nơi chị yên nghỉ, thời gian như ngưng đọng, để mỗi bước chân viếng thăm là một lần thổn thức, một lần tri ân…
Nghĩa trang Hàng Dương.
Anh hùng LLVT
Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh Võ Thị Sáu là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Quê hương chị vốn có truyền thống cách mạng, là nơi lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện sớm nhất trong vùng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lần lượt hai người anh trai của chị tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chị được đồng chí Trần Việt Thanh (Sáu Thanh), Trưởng Công an quận Đất Đỏ giao nhiệm vụ thăm dò tình hình địch tại thị trấn Đất Đỏ và nhiều lần lập được chiến công dù tuổi còn nhỏ.
Giữa năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu đã được kết nạp vào Đội Công an xung phong Đất Đỏ và được tham gia lớp huấn luyện khóa I, trường thiếu sinh quân của tỉnh mở tại căn cứ kháng chiến Long Mỹ. Trở thành một chiến sĩ trinh sát, chị đã đóng giả người đi chợ, thợ cấy, thợ gặt…luồn sâu vào vùng địch chiếm từ Đất Đỏ đến Phước Lợi, Phước Hải trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch, kịp thời thông báo cho đơn vị. Từ khi có Võ Thị Sáu, Đội Công an xung phong ít bị địch phục kích, đỡ thương vong tổn thất.
Ngày 14/7/1948, Lê Thành Tường, Tỉnh trưởng Bà Rịa chuẩn bị tổ chức mít tinh kỷ niệm Quốc khánh của nước Pháp tại Đất Đỏ. Địch chăng dây thép gai quanh khu vực mít tinh từ đêm trước và bố trí lính canh gác nghiêm ngặt. Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh nhằm hạ uy thế địch. Chị Sáu đề xuất phương án đánh táo bạo nhưng chặt chẽ: Sáu mang theo lựu đạn, ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm làm nhiệm vụ tấn công vào khán đài; hai tổ Công an xung phong được bố trí chốt chặn gần đó có nhiệm vụ bắn yểm trợ cho Sáu rút và tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh. Đúng như kế hoạch của cô trinh sát nhỏ nhắn, cuộc mít tinh chưa bắt đầu đã kết thúc trong cảnh hỗn loạn. Tỉnh trưởng Lê Thành Tường mất mặt với quan Tây.
Tháng 11/1949, Đội Công an xung phong huyện quyết định diệt cai tổng Tòng ác ôn tại Đất Đỏ. Với phương châm táo bạo: Đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, đánh ngay tại nơi chúng gây tội ác, Võ Thị Sáu đề xuất và xung phong thực hiện phương án diệt Cai tổng Tòng ngay tại văn phòng làm việc của hắn. Với quả lựu đạn giấu trong giỏ đựng trầu, Võ Thị Sáu trà trộn trong tốp người đi làm giấy căn cước vào Nhà việc (trụ sở tề) ở Đất Đỏ và rút chốt lựu đạn ném thẳng vào Cai tổng Tòng vừa hô to “Việt Minh tấn công”. Lựu đạn nổ, Cai tổng chỉ bị thương, không chết nhưng cũng đủ làm bọn chúng khiếp vía.
Tháng 2/1950, Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ có chủ trương diệt Cả Đay, Cả Suốt là lính bảo an ác ôn ở đồn Đất Đỏ. Hai tên này thường ngày có nhiều hành vi tàn ác làm nhân dân ở khu vực chợ Đất Đỏ và trong vùng rất căm phẫn. Sau nhiều lần trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của bọn lính bảo an đồn Đất Đỏ, Võ Thị Sáu đã đề xuất phương án diệt Cả Đay và Cả Suốt. Võ Thị Sáu chọn thời gian, địa điểm diệt địch giữa ban ngày, tại phiên chợ Tết Canh Dần. Mặc bộ đồ bà ba đen cũ, trên tay xách chiếc túi bên trong giấu hai quả lựu đạn, Võ Thị Sáu đi lẫn trong dòng người vào chợ lần theo đối tượng. Sau khi ném lựu đạn làm bị thương Cả Đay, Cả Suốt và một số binh lính, chị Sáu tẩu thoát theo kế hoạch nhưng không may bị bắt.
Tại đồn bảo an Đất Đỏ, địch dùng mọi biện pháp từ tra tấn đến dụ dỗ mua chuộc hòng moi tin từ chị Sáu nhưng đều thất bại. Tháng 4/1950, chúng đưa chị về giam tại khám Chí Hòa (Sài Gòn). Tại đây chị được ở cùng một số nữ tù chính trị và được các chị thương yêu, chăm sóc, dạy văn hóa, múa hát, tham gia các sinh hoạt của liên đoàn tù nhân. Đầu năm 1951, Võ Thị Sáu bị đưa ra xét xử trước tòa đại hình và tuyên phạt chị tội “Giết hại các nhà chức trách, phá rối trị an ở Đất Đỏ, có hành vi chống lại nền bảo hộ của nước Pháp…” và tuyên án tử hình, đưa chị ra Côn Đảo để thi hành án.
4 giờ sáng 23/1/1952, Võ Thị Sáu kiên quyết từ chối lời đề nghị rửa tội của viên cố đạo: “Tôi không có tội! Nếu muốn rửa tội xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”. Khi được hỏi trước khi chết còn điều gì ân hận không, Võ Thị Sáu bình tĩnh và hiên ngang trả lời “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và bọn tay sai bán nước”. Giặc Pháp đưa Võ Thị Sáu ra pháp trường. Chị yêu cầu không bịt mắt. Trong khi viên chánh án đọc lệnh thi hành án, chị hát vang bài “Tiến quân ca” rồi hô to: “Đả đảo thực dân Pháp! Hồ Chủ tịch muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”. Sau phát súng đầu tiên, chị vẫn đứng nguyên tại vị trí, tiếp tục hát “Tiến quân ca”. Sự hy sinh dũng cảm, tư thế hiên ngang trước cái chết của người nữ chiến sĩ cách mạng Võ Thị Sáu trong lúc tuổi đời còn rất trẻ khiến quân giặc kinh hoàng.
Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 149/KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu và đền thờ, tượng đài chị được lập ở nhiều nơi của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Huyền thoại bất tử trong lòng dân
Phần mộ của Anh hùng LLVT nhân dân Võ Thị Sáu.