A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OPEC+ cắt giảm khai thác dầu, hỗ trợ giá

 

QPTĐ-Tuần qua, Nga và các đối tác có hàng loạt các cuộc tham vấn về kinh tế và năng lượng nhằm ổn định thương mại, hỗ trợ việc dầu mỏ sụt giá. 

OPEC+ cam kết sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm chặn đà giảm của giá dầu mỏ. (Ảnh: Internet)

Ngày 12/10, tham dự sự kiện Tuần lễ Năng lượng Moskva, Tổng thống Nga V.Putin cho biết: Nga có thể chuyển lượng khí đốt qua tuyến đường Biển Đen sau khi lập ra một trung tâm trung chuyển khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường xuất khẩu mặt hàng này cho Liên minh châu Âu (EU). 

Ngày 14/10, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung Á được tổ chức lần đầu tiên ở Astana, Tổng thống V.Putin và các nhà lãnh đạo khu vực (Kazakhstan, Kyrgfzstan, Tajikistan, Turkmeistan, Uzbekistan) đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kinh tế sâu rộng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. 

Trước đó (5/10), các nước OPEC+ bao gồm 22 thành viên do Nga và Arab Saudi dẫn dắt, nhóm họp ở Vienne (Áo) cam kết, sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với khoảng 2% sản lượng toàn cầu, kể từ tháng 11 tới nhằm chặn đà giảm của giá dầu mỏ thế giới. Những sự kiện kinh tế, thương mại, nhất là năng lượng kể trên đã gây phản ứng trái chiều giữa các nước, trong đó có Mỹ, EU. 

Phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là “đáng thất vọng”, đó là một “thảm họa toàn diện”. “Rõ ràng OPEC+ đang liên kết với Nga”-Thư ký Báo chí Nhà Trắng K.J.Pierre nói. Tổng thống Mỹ J.Biden phát biểu với báo chí, mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống như Arab Saudi “đang có vấn đề”. 

Theo Nhà Trắng, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu thô sẽ dẫn đến hệ quả, giá dầu sẽ tăng, kéo theo 3 hệ quả đặc biệt nguy hiểm đối với thế giới bao gồm gây lạm phát toàn cầu, Nga tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn xuất khẩu dầu, khí đốt, đẩy kế hoạch áp trần giá dầu Nga của Mỹ, phương Tây phản tác dụng và cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ sẽ bất lợi cho ông J.Biden, khiến Chính phủ Mỹ khó vượt qua các thách thức an ninh do Nga, Trung Quốc đặt ra.

Trước đó (7/2022), Tổng thống J.Biden có chuyến công du đến Arab Saudi nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh, vận động nước này tăng sản lượng khai thác dầu mỏ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Điều này, đồng nghĩa với việc cắt giảm nguồn thu của Nga về xuất khẩu năng lượng, gián tiếp ủng hộ Đảng Dân chủ của ông J.Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra dịp tháng 11 sắp tới. 

“Quyết định của OPEC+ sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Họ sẽ kiếm được nhiều doanh thu, lợi nhuận hơn từ việc bán dầu”-B.Saab, Giám đốc Chương trình Quốc phòng và an ninh Viện Trung Đông nhận định: Arab Saudi đang theo đuổi lợi ích kinh tế cũng như duy trì sự ổn định chính trị, buộc phải phụ thuộc vào dầu mỏ. Giá dầu cao sẽ giúp quốc gia này thống trị thế giới từ nguồn vàng đen, nhất là trong tuần qua, các Thái tử, Hoàng tử nước này nhận thêm trọng trách mới: Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng. 

Arab Saudi tuyên bố, quyết định của OPEC+ hoàn toàn là vì kinh tế, chứ không mang động cơ chính trị. “Dầu mỏ không phải là vũ khí. Chúng tôi xem dầu như một loại hàng hóa mà trong đó chúng tôi chiếm phần rất lớn”-Ngoại trưởng Arab Saudi A.al-Jibeir nói. 

Phát biểu tại một sự kiện ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen tiết lộ, việc đặt mức giá trần 60 USD/thùng dầu của Nga sẽ làm giảm doanh thu của Moskva nhưng đảm bảo Nga vẫn có lợi từ việc chi phí sản xuất thấp. “Mục tiêu của việc áp giá trần là ngăn chặn hậu quả từ việc giá dầu toàn cầu tăng vọt”-Bà J.Yellen nói. Hiện, các nước G7 ủng hộ sáng kiến này của Mỹ nhưng lại bị sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước đang phát triển. 

Được biết, Mỹ và phương Tây đạt được sự đồng thuận áp lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt lên Moskva sau khi Điện Kremlin sáp nhập 4 vùng Ukraine vào lãnh thổ. Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.

Theo Reuters, liên minh OPEC+ đang giảm kỷ lục 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu, tương đương khoảng 3,5% sản lượng toàn cầu cho thấy, nguồn cung trên thị trường đang bị siết chặt. Động thái cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và quyết định áp trần giá dầu Nga do Mỹ thúc đẩy có thể khiến gia dầu thế giới tăng đột biến-Giới báo chí phỏng đoán.

Phó Thủ tướng Nga A.Novak cho biết, sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu ở mức 9,9 triệu thùng/ngày từ tháng 10 khi phương Tây áp trần giá dầu Nga. Tổng thống V.Putin gọi quyết định của Mỹ và phương Tây là “mối đe dọa đối với hàng tỉ người trên thế giới”. Nga sẽ không bán dầu cho những nước áp trần giá dầu của Nga-Tổng thống V.Putin khẳng định. 

Tại Tuần lễ Năng lượng Moskva vừa qua, Điện Kremlin gợi ý, thay vì chuyển năng lượng sang châu Âu qua hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, tránh lệnh trừng phạt của EU và khủng hoảng năng lượng châu Âu, bằng một dòng chảy mới. “Chúng tôi có thể tạo ra các tuyến đường chính cung cấp nhiên liệu, khí đốt tự nhiên của chúng tôi đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu ở Thổ, nếu các đối tác của chúng tôi cũng quan tâm đến điều này”-Tổng thổng V.Putin nêu ý tưởng: “Quả bóng hiện đang trong chân của EU”. Nga có thể mở van Dòng chảy phương Bắc 2 nếu EU mong muốn! 

Ứng phó với Mỹ và phương Tây, Nga đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang châu Á, châu Phi, Trung Đông, trong đó có Indonesia, UAE, Ai Cập. Trong cấm vận và xung đột Ukraine, Nga vẫn thu bộn tiền nhờ xuất khẩu dầu và than đá, bởi chính sách mềm về kinh tế, thương mại. 

Theo các chuyên gia, về dài hạn, triển vọng an ninh năng lượng châu Âu vẫn khá u ám. Ngay cả khi các kho dự trữ khí của EU được lấp đầy 100% thì vẫn không thể cứu Lục địa già qua mùa đông giá rét nếu không thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng, đóng cửa hoặc giảm hoạt động của các nhà máy, các khu công nghiệp. 

Bộ trưởng Tài chính Pháp B.L.Maire (10/10) phàn nàn, Mỹ đang bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU với giá đắt gấp 4 lần trong nước là điều “không thể chấp nhận được”. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức R.Habeck chỉ trích Mỹ và một số nhà cung cấp khí đốt cho Berlin với giá “cao ngất ngưởng”, dường như đang trục lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine? 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ