A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước Nga “vẫn sống khỏe” trong cơn bão trừng phạt!

 

QPTĐ-Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin (ngày 7/9) trước Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 7 năm 2022 (từ ngày 5-8/9 tại thành phố cảng Vladivostok, vùng Viễn Đông) mang chủ đề: “Trên con đường hướng tới một thế giới đa cực”. Nga ký hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác trị giá 1.500 tỉ USD.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7. (Ảnh: Internet)

“Muốn cô lập Nga? Điều đó bất khả thi?” Cơn sốt trừng phạt của phương Tây sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (từ 24/2) đang làm “tổn hại thế giới”, “tổn thương tất cả mọi người”, kể cả người dân của các nước phương Tây. Lạm phát gia tăng ở Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình. Theo đó, mức sống của khối EU “đang bị hy sinh vì lợi ích của Mỹ”. “Các nhà chức trách EU không cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, năng lượng và thị trường bằng quyết định tách khỏi Nga”-Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Nga-mục tiêu của cơn sốt trừng phạt” từ phương Tây và các hình thức cạnh tranh không lành mạnh khác-“vẫn sống khỏe”. 

Ông chủ Điện Kremlin cho rằng, làn sóng trừng phạt của phương Tây đã thay thế đại dịch Covid-19 để trở thành mối đe dọa chính đối với kinh tế thế giới. Nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập kinh tế Nga-một trong những nhà sản xuất tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới-đã đẩy kinh tế thế giới vào trạng thái chưa từng thấy, với giá thực phẩm và năng lượng tăng phi mã. Nỗ lực này cũng khiến Nga chịu nhiều tổn thương. Nga cũng gặp một vài khó khăn ở một số vùng hoặc lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp Nga phụ thuộc vào EU đã bị tổn hại nhưng về tổng thể, Nga đã đối phó được với sự “gây hấn của phương Tây”.

Theo Tổng thống V.Putin, phương Tây đang cố áp đặt tư tưởng của họ lên thế giới nhưng quyền lực của họ đang suy giảm và “châu Á mới là tương lai của kinh tế toàn cầu”. “Các mối quan hệ quốc tế đã chứng kiến những thay đổi mang tính kiến tạo và không thể đảo ngược. Vai trò của các quốc gia, khu vực năng động và đầy triển vọng, nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã tăng lên đáng kể”-Ông V.Putin tuyên bố. Moskva đã nhìn thấy những cơ hội mới trong việc gia nhập thị trường châu Á, những quốc gia đông dân (hơn 1 tỉ người) như Ấn Độ, Trung Quốc và khối ASEAN, Trung Đông, Iran. 

Phát biểu tại Các Tổ chức quốc tế ở Vienna, Áo (ngày 8/9), Đại diện thường trực Nga M.Ulyanov nói: “Các quốc gia phương Tây đã ban hành số lệnh trừng phạt kỷ lục, vào khoảng 11.000 lệnh khác nhau lên Nga. Các công dân Nga, cho đến lúc này, không thể tưởng tượng nổi và đã không nhận ra điều đó”. “Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước phương Tây đối mặt với hậu quả của những lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên nước khác”-Ông M.Ulyanov nhấn mạnh. 

Trước các đòn trừng phạt mang tính hủy diệt của Mỹ và phương Tây, nước Nga đã và đang nỗ lực đối phó với lạm phát, đã vượt qua được giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất. “Tình hình đang dần trở nên bình thường, thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức dưới 4%, con số thấp kỷ lục trong lịch sử”. “Nga, dường như là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tự cung cấp đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dầu và khí đốt tự nhiên, than đá, kim loại, gỗ là các sản phẩm mà vùng Viễn Đông Nga cung cấp cho thị trường trong nước và cho các đối tác nước ngoài”. 

Bình luận về việc EU tuyên bố, sẽ tính đến phương án áp giá trần khí đốt Nga, Tổng thống V.Putin cảnh báo, đây là hành động không có ý nghĩa, phi thị trường và sẽ chỉ khiến giá năng lượng thế giới tiếp tục tăng lên. “Tất cả các biện pháp hạn chế trong thương mại toàn cầu chỉ dẫn đến sự chênh lệch và giá cả cao hơn”-Ông V.Putin khẳng định. 

Hiện, EU đã ban hành 6 đợt trừng phạt nhằm vào Nga và đợt tiếp theo có thể là áp giá trần đối với dầu, khí và các sản phẩm từ dầu của Nga. Tức là, giá bán các sản phẩm này dưới mức 40-60 USD/thùng, so với thời điểm xung đột ở Ukraine (2/2022), bất chấp giá dầu mỏ thị trường thế giới cán mốc trên dưới 100 USD/thùng. Khối G7 và phương Tây tuyên bố, sẽ trừng phạt tất cả các đối tác, bất kể ai, mua dầu của Nga vượt giá trần mà họ quy định. Được biết, từ đầu năm 2022 về trước, châu Âu nhập khẩu, sử dụng 40% khí đốt và 25% dầu mỏ của Nga. 

Trước những tranh cãi trong quan hệ ngày càng căng thẳng gIữa Nga và Mỹ, phương Tây, nhất là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU siết chặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Ngày 2/9, Moskva tuyên bố, ngừng vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc-1 công suất 55 tỉ m3 khí Nga-Đức qua biển Baltic, sang châu Âu bởi lý do kỹ thuật. Giải pháp của Nga về năng lượng cho EU chỉ có thể là, khơi thông Dòng chảy phương Bắc-2 đang bị EU đóng băng và dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận áp đặt vào Moskva. Hẳn, đó là miếng xương xẩu EU khó nuốt trôi!

Phát biểu với báo chí tại Bỉ (7/9), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố: “Nỗ lực của chúng ta đã được đền đáp. Khi chiến sự bắt đầu, dòng khí chảy qua đường ống Nga chiếm 40% toàn bộ khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Con số này tụt xuống còn 9%”-Người “đàn bà thép” nói.

Hiện, Nga vẫn duy trì việc cấp khí đốt qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí/năm, đường ống Yamal đi qua Belarus, Ba Lan sang Đức công suất 33 tỉ m3/năm và nguồn cung khác cho Hungaria.

Các nước châu Âu, năng động và đi đầu có Đức, Pháp, Italy, đang đàm phán với các nhà cung cấp toàn cầu như Algeria, Arab Saudi, UAE, Qatar, Congo, Canada, nhằm tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Dù cố gắng đến mấy, châu Âu vẫn bị tổn thương do giá năng lượng tăng cao, thiếu khí đốt nghiêm trọng khi mùa đông băng giá đang đến. Châu Âu đang gánh giá khí đốt tăng 4 lần so với năm ngoái. 

Nếu Nga ngừng cấp toàn bộ khí đốt sang châu Âu, sẽ khiến dòng thuế của Moskva giảm khoảng 6,6 tỉ USD-một con số không hề nhỏ. Tuy vậy, giá dầu, khí toàn cầu tăng, các nước xuất khẩu năng lượng sẽ thu nguồn lợi lớn. 

Năm 2021, Nga có doanh thu 244,2 tỉ USD từ xuất khẩu dầu khí, tăng lên 337,5 tỉ USD (năm 2022), dự báo đạt 255,8 tỉ USD (năm 2023). Sáu tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Năng lượng Gazprom lãi ròng 41,4 tỉ USD, chuyển cho Điện Kremlin gần 10 tỉ USD, bởi Chính phủ Nga sở hữu 49,3% cổ phần của doanh nghiệp này. 

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ