A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy dân chủ trong bầu cử theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

QPTĐ-Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ngày 23-5-2021, toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong hoàn cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của nước ta khi lần đầu tiên toàn thể nhân dân được hưởng quyền làm chủ, độc lập tự do của mình trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt cho nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.

Ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Chưa đầy một tuần sau, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16 và 17-8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời, khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

Tiếp đó, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL quy định “Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Tiếp đó, ngày 2-12-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành tiếp Sắc lệnh số 71-SL và Sắc lệnh số 72-SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51-SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh. Trong các văn bản trên, các quy định cơ bản về nguyên tắc bầu cử đã được thể hiện rất rõ là: Phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Để bầu cử thành công và phát huy dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng công tác tuyên truyền bầu cử. Trước ngày bầu cử, Người đã viết rất nhiều bài báo, đăng trên báo Cứu quốc khác nhằm tuyên truyền động viên nhân dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ. Ngày 31-12-1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử”. Người nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Trước ngày Tổng tuyển cử, Người viết “Lời kêu gọi quốc dân đồng bào đi bỏ phiếu”. Người viết: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Và Người không quên kêu gọi: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6-1-1946 diễn ra trong điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự tin tưởng tuyệt đối và quyết tâm cao của toàn dân ta nên đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đầu tiên ra đời, đánh dấu bước phát triển mới về thể chế chính trị của nước Việt Nam độc lập.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong bầu cử; để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành, địa phương triển khai đầy đủ, đúng quy định các nội dung, công việc phục vụ cho ngày bầu cử. Đồng thời, phát huy sức mạnh lòng dân, để mỗi đồng bào làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu đông đủ và cân nhắc, lựa chọn những người có đủ đức, tài xứng đáng được bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động có âm mưu và hành động lợi dụng dân chủ trong bầu cử để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết đoàn dân tộc, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án đối phó với những tình huống gây mất an ninh chính trị có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

 Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ