A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội gặp mặt, tri ân các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

QPTĐ-Sáng 4-5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương.

Chương trình văn nghệ chào mừng. 
 

Cùng tham dự buổi gặp mặt có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.

Các đại biểu tham dự chương trình.
 

Đặc biệt, buổi gặp mặt, tri ân có 250 đại biểu đại diện cho các gia đình liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội; Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4); Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu...

Mốc son lịch sử oai hùng

Tại chương trình gặp mặt, các đại biểu tham dự đã cùng ôn lại truyền thống lịch sử và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên là cán bộ Trung đội trưởng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 
bồi hồi kể lại những ký ức về một thời hoa lửa.
 

Hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 2.200 người là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và 159 gia đình thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Thành phố.

Buổi gặp mặt các đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến là sự tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của thành phố Hà Nội.

Ngoài việc gặp mặt những nhân chứng lịch sử góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong những ngày qua, Hà Nội đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, tri ân tại gia đình các thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của 30 quận, huyện, thị xã.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại tá Nguyễn Thụ-nguyên Trung đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 chia sẻ: Từ nhỏ đã chứng kiến cảnh đất nước bị thực dân Pháp áp bức, nô dịch, thấy nỗi khổ của người dân mất nước, chưa đầy 16 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ với suy nghĩ tham gia kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp để giành độc lập cho đất nước và tôi đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay tuổi đã cao.
 

Trung đội do ông chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu trên đồi A1 một ngày và gần hai đêm. Trung đội có 16 chiến sĩ, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, đảm bảo đạn mỗi đồng chí 2-3 cơ số, có 1 máy thông tin 2W. Thời gian này, Trung đội ông chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Sau trận đánh này, ông và 1 đồng chí nữa được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

“Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua 70 năm nhưng tôi luôn ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh gian khổ. Tôi luôn ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của vị Tổng Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi cũng luôn nhớ và tri ân đồng bào Tây Bắc, các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không ngại hy sinh, gian khổ, đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi trong suốt chiến dịch.

Giờ phút này đây, tôi vẫn cảm thấy vinh dự và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và càng xúc động hơn khi được trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 - nơi trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch”. - Đại tá Nguyễn Thụ xúc động chia sẻ.

Trân trọng và biết ơn

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ lòng biết ơn những cống hiến, hi sinh đầy tự hào của các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đối với Thủ đô Hà Nội, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề đưa đến sự kiện giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và nhân dân Hà Nội đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu giam chân địch suốt 60 ngày đêm giữa lòng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại chương trình gặp mặt.
 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn người con của Hà Nội đã tham gia các lực lượng: Bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều lực lượng khác phục vụ chiến dịch, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng. Những chiến công ấy đã được ghi vào lịch sử của đất nước và lịch sử Thủ đô, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Thủ đô.

Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống văn hiến và anh hùng, tinh thần “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô: Kinh tế tăng trưởng bền vững, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 6,27%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 5,05%; GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng/năm (tương đương 6.350 USD, gấp 1,48 lần cả nước); đời sống nhân dân từng bước cải thiện; kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực... Thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng (trong năm 2023 đã thực hiện chỉ trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.729 tỷ đồng; điều dưỡng đối với 25.108 lượt người có công; tu sửa, nâng cấp 191 nhà ở cho người cỏ công; tổ chức các hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm, các ngày lễ, tết trong năm...; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 0,03%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%)...

Lãnh đạo thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự chương trình.
 

“70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi về sau” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy khẳng định, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn trân trọng, tự hào và biết ơn những người con ưu tú của Thủ đô đã không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là những gương tiêu biểu, niềm tự hào của Thủ đô, những tấm gương sinh động, có sức lan tỏa trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cách mạng cho các thế hệ người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.

Các nhân chứng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được thế hệ trẻ dìu đến tham dự chương trình.

 

Trước buổi Lễ, đại diện các đại biểu dự buổi gặp mặt đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hà Đức Huân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ