A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận định thiếu khách quan về nhân quyền ở Việt Nam

“Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao

Phạm Thu Hằng

QPTĐ- Như thường lệ, ngày 20-3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022”, tự cho mình quyền đánh giá tình hình nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nội dung của báo cáo vẫn là một cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo nhân quyền của Mỹ nhận định thiếu khách quan

dựa trên những thông tin không chính xác về nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự độc lập của tư pháp; những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận, tự do internet; truy tố một cách tùy tiện những người chỉ trích chính phủ; hạn chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại; hạn chế nghiêm trọng quyền tham gia chính trị của người dân… 

Dựa vào những thông tin bịa đặt của một số tổ chức, phần tử phản động, cơ hội chính trị, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn vội vã quy kết: “Các vụ tra tấn, bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra. Các nhà hoạt động cho biết cán bộ công an đã hành hung, tra tấn các tù nhân chính trị để lấy lời khai hoặc buộc họ phải nhận tội. Các nhóm giám sát nhân quyền cũng đưa ra nhiều báo cáo về việc công an dùng vũ lực trong khi thi hành công vụ và các điều tra viên bị cáo buộc tra tấn những người bị giam giữ...”.

Kiên quyết chống tra tấn, bức cung, nhục hình

Ở Việt Nam, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quyền này cũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự… 

Đặc biệt, ngày 07/11/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước. Trong năm 2015, Quốc hội đã có những sửa đổi, bổ sung mang tầm chiến lược đối với các chính sách hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thể hiện thông qua việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhiều quy định về phòng, chống tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cả các điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam với các nước về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù…

Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy chưa quy định tội danh riêng và không đưa ra khái niệm “tra tấn” nhưng mọi hành vi có tính chất tra tấn được xác định là hành vi phạm tội, được quy định trong tội dùng nhục hình (Điều 373), tội bức cung (Điều 374). Pháp luật Việt Nam coi các hành vi này là rất nghiêm trọng cho xã hội, phải bị trừng trị nghiêm minh. Các lời khai, chứng cứ thu thập được từ việc thực hiện các hành vi liên quan đến tra tấn đều bị hủy bỏ trong quá trình tố tụng hình sự và không được sử dụng để buộc tội đối với người tình nghi phạm tội.

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong tổ chức điều tra hình sự liên quan đến bảo vệ quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, trong đó khẳng định: “Nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Để ngăn ngừa các hành vi vi phạm nói chung và hành vi có liên quan đến tra tấn nói riêng của các cán bộ có thẩm quyền, Việt Nam cũng thiết lập các cơ quan hoặc cơ chế độc lập để kiểm sát hành vi của cán bộ chịu trách nhiệm lấy lời khai và quản lý người bị giam, giữ; kiểm tra, giám sát các trại giam và cơ sở giam giữ khác cũng như việc thực hiện các chế độ giam giữ. Bên cạnh đó, các cơ sở giam giữ còn chủ động phát hiện ngăn chặn và loại trừ các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người bị giam giữ.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền không bị tra tấn, đồng thời ngăn ngừa các hành vi có liên quan đến tra tấn, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người, về chống tra tấn, nhất là cho cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, khám chữa bệnh cho người bị giam giữ...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cả hoàn thiện thể chế, pháp luật, cả hoạt động thực tiễn, nhưng do hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người chưa thật đồng bộ, nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế; trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều, nhận thức pháp luật còn hạn chế… nên trong thực tế đã xảy ra một số vụ việc có liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình... Tuy nhiên, các vụ việc đó đều đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Sẵn sàng đối thoại về nhân quyền

Trong những năm qua, Việt Nam duy trì thường xuyên đối thoại với Hoa Kỳ về nhân quyền trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. 

Việt Nam khẳng định quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam là thành viên.

Gần đây nhất, phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang khẳng định, phương châm tham gia Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Từ đó, đại diện Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Trước đó, tiếp Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham, Chủ tịch Tổ chức cứu trợ, truyền giáo cơ đốc quốc tế Samaritan' Purse, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước. Và với cảm nhận về sự tự do tôn giáo ở Việt Nam, Mục sư Franklin Graham cho biết: “Khi tôi trở lại Hoa Kỳ, tôi sẽ làm "Đại sứ" cho quý vị. Tôi rất vui khi được chia sẻ với chính giới và người dân Hoa Kỳ về sự tự do tôn giáo mà tôi được trải nghiệm tại Việt Nam”.

Có thể nói, với việc sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, đã đến lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh định kiến, phiến diện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của cả hai nước.

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ