A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”: Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về tôn giáo

Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 quy định: 
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Đây là cơ sở pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.

QPTĐ- Sáng 9-3, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

 

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng phát biểu tại lễ ra mắt Sách trắng.  

Sách trắng
Sách trắng hay có tên gọi theo từ cổ là Bạch thư là một loại bản báo cáo hoặc là bản hướng dẫn quan trọng được ban hành bởi những cơ quan có thẩm quyền. Mục đích khi ban hành loại Bạch thư này chính là giúp cho người đọc nắm bắt được những thông tin cần thiết. Từ đó, có thể hiểu được một vấn đề hoặc giải quyết vấn đề đó theo đúng cách. Thông thường, Sách trắng được ban hành nhằm giúp mọi người thực hiện được công việc theo đúng quy định. Loại Bạch thư này thường do Chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước phát hành. Đôi khi, nó được ngành Marketing doanh nghiệp sử dụng với mục đích để vận hành công việc kinh doanh một cách hiệu quả và hữu ích nhất.

Với khái niệm trên, trong một chừng mực nhất định, Sách trắng có thể được chia làm hai loại. Loại Sách trắng của ngành Marketing dành cho doanh nghiệp. Marketing hiện là một trong những nghề nghiệp thu hút nhiều sự chú ý nhất. Từ đầu những năm 1990, thuật ngữ Sách trắng đã được sử dụng trong ngành nghề này. Nó chính là một danh từ dùng cho hoạt động marketing của doanh nghiệp, đôi khi từ này cùng được dùng để chỉ các công cụ bán hàng chuyên biệt. Loại Sách trắng dùng trong kinh doanh thường được sử dụng để giải quyết một vấn đề cụ thể nhờ việc thông qua việc trình bày các kết quả nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề đó trong kinh doanh. Đôi khi, Sách trắng cũng được trình bày dưới dạng nghiên cứu, liệt kê hay là các mẹo nhỏ. Từ đó có thể nêu bật những vấn đề kinh doanh một sản phẩm cụ thể của một nhà cung ứng nào đó.

Loại Sách trắng do chính phủ ban hành. Nó được ban hành với mục đích thể hiện rõ ràng ý định của cơ quan có thẩm quyền về một vấn đề hay lĩnh vực nào đó. Từ đó có thể giúp người dân thông qua, đồng thuận những điều luật đúng như của Chính phủ mong muốn. Có thể nói rằng, Sách trắng chính là một công cụ đắc lực của nền dân chủ. Nó thực hiện hai vai trò kép đặc biệt quan trọng: Một là thể hiện chính sách bền vững của Chính phủ. Mặc khác, nó còn thể hiện sự mời gọi các ý kiến tích cực của người dân trong việc đóng góp ý kiến, xây dựng nhà nước thêm giàu mạnh hơn.

Sách trắng về tôn giáo của Việt Nam
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 3 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nội dung trong sách có giới thiệu về 16 tôn giáo phổ biến ở Việt Nam (Phật giáo, Công giáo, Đạo Tin Lành, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo…). Sách cũng cung cấp thông tin về quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra, sách có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tại buổi họp báo công bố Sách trắng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam.

Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết.

Sinh hoạt tôn giáo phong phú, sinh động
Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, ở Việt Nam, có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số. Với gần 4.500 cuốn thuộc 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào thư viện của 54 trại giam, Việt Nam cũng khẳng định "Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù". 

Việc xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tạo điều kiện. Ở Việt Nam có khoảng 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín. Với các cơ sở thờ tự, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo. Năm 2022, đã có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới, 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa và cải tạo.

Sách trắng cũng khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp...

Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Theo đó, các hoạt động tôn giáo như đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế… của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ