A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng đất nước

QPTĐ-Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo. 

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Việt Nam.

Đồng hành cùng đất nước
Trong Ngày Lễ Độc lập (2-9-1945), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, chứng kiến giây phút linh thiêng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có sự hiện diện của đầy đủ các giai tầng trong xã hội, trong đó có đại diện của đồng bào các tôn giáo. Sự kiện lịch sử này được Archimedes L.A Patti, một sỹ quan tình báo Mỹ miêu tả sinh động trong cuốn sách “Why Viet Nam”: “…Ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín là ngày lễ các thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân theo Thiên Chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Có thể cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã chọn ngày đó làm Ngày Lễ Độc lập. Tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng như các nhà chùa Phật giáo, buổi lễ vẫn tiến hành long trọng, các bài thuyết pháp có thêm ý nghĩa chính trị ủng hộ Chính phủ mới thành lập và nền độc lập của Việt Nam.

Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh Quảng trường Ba Đình.

Ở nhiều chỗ là một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả những toán nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.

Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón...tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ.

Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ...”.

Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện "tín ngưỡng tự do và lương-giáo đoàn kết. Ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi nhận: Nhân dân có quyền "tự do tín ngưỡng". Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL quy định những hoạt động tôn giáo trong chế độ mới, được đồng bào theo và không theo tôn giáo nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo đồng bào tôn giáo. Mặt khác, các tôn giáo ngày càng có những đóng góp quan trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tiêu biểu như làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả. 

Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng nhân dân tin tưởng, bầu chọn vào các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương và địa phương. Tại Quốc hội khóa XV, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. 

Tại các địa phương trên cả nước, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”; Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất. Chính sự đồng hành của tôn giáo với dân tộc, với đất nước đã tạo nên sự ổn định, gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo và làm cho tôn giáo luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn nhất quán, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Các văn kiện Đảng, nhất là từ Đại hội II (2/1951) đến Đại hội V (3/1982) liên tục khẳng định quan điểm cơ bản, mang tính định hướng của Đảng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bước ngoặt quan trọng thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị (khóa VI). Với Nghị quyết này, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với sự nghiệp xây dựng xã hội mới”. Đặc biệt, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”.

Hiến pháp, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, mỗi lần sửa đổi, bổ sung và ban hành luôn luôn kế thừa và phát triển để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trở thành một trong những quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Với chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển. Tính đến nay, Việt Nam có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 58 ngàn chức sắc, 148 ngàn chức việc, gần 30 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Tính đến năm 2018, có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. 

Trong thời gian qua, có rất nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, được dư luận thế giới đánh giá cao như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 03 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc; Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị Giám mục Á châu... Những hoạt động trên đã góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, các tôn giáo, lịch sử, văn hóa của đất nước, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam; chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ