A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm hoàn thành sứ mệnh tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

QPTĐ-Năm 2023, Việt Nam bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai, tới năm 2025. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định quyết tâm và nỗ lực xây dựng và triển khai các chính sách về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời đóng góp, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại Liên hợp quốc nói chung và của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nói riêng.

Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, 

Việt Nam sẽ tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền con người.

Vị thế Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế
Việc Việt Nam trúng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền-cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, có nhiều ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò và vị thế của đất nước. Trước hết, sự kiện này khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đối ngoại nói riêng, cũng như phát triển kinh tế-xã hội nói chung, chính sách lấy con người là trung tâm, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, cải thiện cuộc sống cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam có liên quan.

Sự kiện Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng thể hiện sự tín nhiệm và coi trọng của bạn bè ASEAN cùng đông đảo bạn bè quốc tế đối với uy tín, vị thế đất nước; cũng như sự tin tưởng vào năng lực và khả năng đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền và các diễn đàn đa phương khác, đã được khẳng định qua những dấu ấn nổi bật của chúng ta khi đảm nhiệm thành công vai trò tại nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, tiêu biểu như thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Phát biểu sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Bà Caitlin Wiesen, nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được ASEAN tín cử là đại diện duy nhất tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Theo bà Caitlin Wiesen, đó là sự ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

Thúc đẩy quyền con người
Là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trước hết, Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR). Tính tới tháng 3/2022, Việt Nam đã thực hiện được gần 83% các khuyến nghị chấp thuận tại chu kỳ III, trên cả sáu nhóm lĩnh vực nêu trên và đang tiếp tục triển khai các khuyến nghị còn lại. Trong đó, nổi bật là công tác hoàn thiện pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, với việc thông qua hơn 40 luật sửa đổi từ năm 2019 đến nay, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Về chính sách bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Việt Nam tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đến 2020 và sau đó; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và thu nhập thấp theo đúng mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Việt Nam cũng quan tâm xây dựng và triển khai chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng và phúc lợi xã hội, thúc đẩy đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các vùng nông thôn và khó khăn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và vùng sâu, vùng xa…

Việt Nam cũng khẳng định, quyền dân sự, chính trị được bảo đảm trên thực tế. Trong đó, đáng chú ý là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hiến pháp Việt Nam cùng ghi nhận: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em…; bảo đảm thực hiện quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như quyền bình đẳng của phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật... 

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật việc triển khai các khuyến nghị, xây dựng dự thảo Báo cáo UPR chu kỳ tiếp theo trong năm 2023 và tiến hành phiên đối thoại về báo cáo UPR chu kỳ IV trong nửa đầu năm 2024. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của Việt Nam đối với tiến trình UPR, coi đây là một tiến trình sống động, liên tục, triển khai thực chất, hiệu quả và có sự rà soát kỹ lưỡng trước khi tiến hành xây dựng báo cáo.

Tích cực tham gia vào mục tiêu chung
Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người-cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới-là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Trước hết, Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm thành viên của cơ quan giám sát thực hiện nhân quyền của Liên hợp quốc, nghiêm túc thực hiện và vận động các nước thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột hòa bình-an ninh, phát triển và quyền con người.

Trả lời báo chí về những định hướng và ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh… 

Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ