A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HRW và điệp khúc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

 

QPTĐ-Ngày 13-1, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch- HRW) công bố cái gọi là “Báo cáo thường niên thế giới 2022”, đánh giá tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia trong năm 2021. Như thường lệ, báo cáo của tổ chức này tiếp tục có những đánh giá thiếu khách quan, không đúng tình hình thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. 

HRW thường xuyên sử dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam.

Vẫn là cái nhìn lệch lạc

Trong cái gọi là “Báo cáo thường niên thế giới 2022”, công bố ngày 13-1, HRW đưa ra một số đánh giá mà thực chất là xuyên tạc trắng trợn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Giữ cách nhìn thiếu thiện cảm cố hữu, tổ chức này cho rằng: “Chính phủ Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt các quyền dân sự và chính trị cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, thông tin, lập hội, hội họp hòa bình, và tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Đất nước không có phương tiện truyền thông tự do và độc lập. Chính phủ không cho phép thành lập các đảng phái chính trị hoặc các tổ chức nhân quyền độc lập, và quản lý một cách xâm phạm tất cả các cơ sở tôn giáo.

Những người công khai chỉ trích chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản trên phương tiện truyền thông xã hội thường xuyên phải đối mặt với sự quấy rối, đe dọa, theo dõi xâm nhập, hạn chế quyền tự do đi lại, hành hung và bắt giữ. Sau khi bị giam giữ để thực hiện các quyền của mình, mọi người phải đối mặt với sự tra khảo ngược đãi, thời gian giam giữ dài mà không được tiếp cận với cố vấn pháp lý hoặc gia đình của họ, và bị xét xử bởi các tòa án được kiểm soát về mặt chính trị với các bản án tù ngày càng dài”. 

Để chứng minh cho những luận điệu trên, HRW thống kê rằng: “Trong năm 2021, các tòa án Việt Nam đã xử ít nhất 32 người bị kết tội chỉ vì đăng các ý kiến phê phán Chính phủ, trong khi công an bắt ít nhất 26 người khác với các cáo buộc chính trị ngụy tạo. Trong tháng cuối cùng của năm ngoái, Việt Nam đưa ra xét xử một loạt các nhà báo và nhà hoạt động danh tiếng cũng như tuyên cho họ những bản án dài hạn với các cáo buộc “tuyên truyền chống phá Nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều của Bộ luật Hình sự Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế luôn chỉ trích là mơ hồ”.

Lợi dụng việc HRW công bố báo cáo, đánh giá này, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị thừa cơ tung lên mạng xã hội, tạo cớ công kích, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân gắn mác “xã hội dân sự” xuyên tạc, câu kết, móc nối, báo cáo, kiến nghị, gây sức ép nhằm phá hoại các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam; kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép đòi thả tự do cho một số đối tượng bị truy tố, xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Có thể thấy rằng, sự đánh giá sai lệch, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về nhân quyền Việt Nam của HRW xuất phát từ bản chất chống phá của tổ chức này đối với Việt Nam, dựa trên lối tư duy thiển cận, cách nhìn méo mó với những luận điệu cũ rích, thâm thù, tức tối dai dẳng trước sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Không để HRW “thọc gậy bánh xe”

Có thể nói, trong năm qua, HRW không từ bỏ bất cứ một “cơ hội” nào để công kích, gây sức ép với Việt Nam, từ những sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam như Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021-2026…; sự kiện ngoại giao: Phó Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam, đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt Nam; hoạt động truy tố, xét xử tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia…

Trong dịp Mỹ và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 25, HRW là tổ chức đi đầu trong việc đưa ra yêu sách phi lý, phi nghĩa đòi Chính phủ Mỹ phải gây sức ép với Nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền, phải trả tự do cho một số người mà HRW gắn cho cái nhãn “tù nhân lương tâm”… Thực tế, ngày 9/11/2021, đối thoại nhân quyền Mỹ -Việt Nam lần thứ 25 đã tổ chức tại Washington. Theo thông cáo của Văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thì cuộc đối thoại đã thảo luận một số vấn đề nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, lao động, cải cách luật pháp, người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương như thành viên các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI + và người khuyết tật. Phía Mỹ đã cam kết coi thúc đẩy nhân quyền là nền tảng đối với quốc gia, là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại, coi thúc đẩy và bảo vệ tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris và quan hệ Mỹ-Việt Nam… Qua thông báo có thể thấy đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt Nam lần thứ 25 diễn ra tốt đẹp, hoàn toàn không đề cập các yêu sách của HRW.

Gần đây, HRW lại kêu gọi Chính phủ Australia vận dụng cơ hội đối thoại vào ngày 8/12/2021 để gây sức ép với Việt Nam yêu cầu Việt Nam ngay lập tức phóng thích tất cả các tù nhân và nghi can chính trị cũng như sửa đổi các điều luật hình sự và tố tụng hình sự “có vấn đề” để đưa những bộ luật này về quỹ đạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Ngày 13-1, Bộ Ngoại giao Australia đã ra thông cáo cho biết, Việt Nam và Australia đã tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 17 vào ngày 8/12/2021 dưới hình thức trực tuyến. Hai bên thảo luận về các phương pháp tiếp cận nhân quyền, cập nhật về pháp quyền và các chính sách cải cách pháp luật để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, người Australia bản địa và các dân tộc thiểu số Việt Nam, cộng đồng LGBTI (người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính) và người khuyết tật. Kết thúc đối thoại, Việt Nam và Australia tái khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền theo quy định của pháp luật trong nước; xem xét các lĩnh vực hợp tác đa phương, khu vực. Một lần nữa, HRW lại bẽ bàng khi những yêu sách, kiến nghị của họ tỏ ra vô giá trị.

Hay trong những tháng cuối năm 2021, khi các cơ quan tư pháp Việt Nam tiến hành hoạt động truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như Phạm Đoan Trang, 3 mẹ con Cấn thị Thêu…, HRW cũng không quên gây sức ép, kêu gọi thả tự do cho các đối tượng này. Đơn cử, HRW đòi: "Hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị đối với bà Phạm Đoan Trang, nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với nhà hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng và phóng thích ngay lập tức"… Tuy nhiên, Việt Nam là đất nước có chủ quyền, có Hiến pháp và hệ thống pháp luật, không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân, với bất cứ danh nghĩa nào can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Vì vậy, mọi yêu sách, lời kêu gọi của HRW cũng đều vô giá trị. Phạm Đoan Trang sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với những hành vi của mình.

Có thể khẳng định, với mưu đồ sử dụng nhân quyền làm công cụ để chống phá Việt Nam, HRW một mặt cố tình tảng lờ các thành tựu nhân quyền Việt Nam đã đạt được và tìm mọi cách để bôi đen, vu cáo; một mặt luôn giả nhân, giả nghĩa nhằm biện hộ, bao che cho số người lợi dụng nhân quyền để hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc làm đó của HRW chỉ là những trò hề rẻ tiền và không thể ngăn nổi con đường phát triển của Việt Nam, không phải thứ khiến Việt Nam phải bận tâm trong các quan hệ quốc tế cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ