A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan điểm, tư duy mới về an ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

QPTĐ-Những thành tựu về phát triển đời sống người dân, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam ngày càng được thế giới công nhận, đánh giá cao. Tiếp nối nhất quán quan điểm của Đảng về mục tiêu phát triển con người, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yếu tố “an ninh con người”, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đảm bảo các quyền con người vừa mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân.
 

Việt Nam nỗ lực phấn đấu để mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.

An ninh con người

Báo cáo thường niên về phát triển con người của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) năm 1994 đã đưa ra định nghĩa về an ninh con người khá toàn diện. Theo đó, an ninh con người là sự cấu thành của hai điều kiện: An toàn không bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật và sự đàn áp; được bảo vệ khi gặp những rủi ro bất thường trong cuộc sống, kể cả trong gia đình, trong công việc hay ngoài xã hội. Báo cáo chỉ rõ, an ninh con người có bốn đặc trưng cơ bản gồm: An ninh con người mang tính chất phổ biến; những yếu tố tạo thành, tác động, ảnh hưởng đến an ninh con người đều có mối tương liên, phụ thuộc, tác động chuyển hóa lẫn nhau; các nguy cơ, yếu tố tác động tới an ninh con người cần phải được ngăn ngừa sớm, phòng hơn chống; an ninh con người đang được hầu hết các nhà nước dân tộc xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực, con người luôn là trung tâm.

Báo cáo này cũng xác định bảy lĩnh vực chính của an ninh con người, bao gồm: An ninh kinh tế, là sự bảo đảm về việc làm và thu nhập cơ bản; an ninh lương thực, thể hiện ở việc được bảo đảm nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm; an ninh sức khỏe, thể hiện ở việc được bảo đảm ở mức tối thiểu trong phòng chống dịch bệnh và chăm sóc y tế; an ninh môi trường, là việc được bảo vệ trước thiên tai, tai họa do con người gây ra và sự ô nhiễm môi trường sống; an ninh cá nhân, thể hiện ở việc được bảo vệ trước những hành vi tội phạm, bạo lực hoặc lạm dụng thể chất do bất kể chủ thể nào gây ra; an ninh cộng đồng, thể hiện ở việc được duy trì các mối quan hệ và giá trị truyền thống của cộng đồng và an ninh chính trị, là việc được tôn trọng các quyền con người cơ bản, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị.

Từ định nghĩa kể trên của UNDP, có thể thấy an ninh con người và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Về bản chất, việc bảo đảm bảy dạng an ninh con người cũng chính là bảo đảm các quyền con người tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người tương ứng cũng chính là nhằm thực hiện, bảo đảm bảy dạng an ninh con người. Thêm vào đó, cả an ninh con người và quyền con người đều hướng vào việc thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và sự phát triển về thể chế trong các xã hội như là những điều kiện để bảo đảm an ninh và các quyền của con người một cách bền vững.

An ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tiếp cận các thành tố của  an ninh con người theo định nghĩa của UNDP, thì Việt Nam đã đề cập từ lâu, cả trong đường lối, chủ trương Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng ta xác định con người là mục tiêu, động lực của đổi mới và chủ thể sáng tạo của phát triển xã hội. Con người ở vị trí trọng tâm của chính sách phát triển. Nhận thức nhất quán và thực hiện mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, đến Đại hội XII, lần đầu tiên an ninh con người mới được xác định trong văn kiện. Trong phương hướng nhiệm vụ của quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đại hội XII xác định: “Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”.

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yếu tố “an ninh con người”, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đảm bảo các quyền con người vừa mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân. Trong số 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có hai định hướng đề cập “an ninh con người”, cụ thể: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” và “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”.

Như vậy, Đại hội XIII xác định bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia. Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia là mối quan hệ thống nhất biện chứng hữu cơ với nhau. Bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Đồng thời, với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được bảo đảm an ninh quốc gia để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh lãnh thổ. Bảo đảm an ninh quốc gia là trách nhiệm quan trọng nhất của quốc gia, cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh con người. 

Hay nói cách khác, an ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. 

Những quan điểm này đã phản bác lại một số luận điệu muốn tách an ninh con người khỏi an ninh quốc gia, đặt an ninh con người trên an ninh quốc gia, từ đó lấy cớ nhân quyền, dân chủ để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người, quyền công dân. Thực chất, bảo đảm an ninh con người trước hết phải là bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia của cả cộng đồng sinh sống, đó là chủ quyền thiêng liêng nhất, bao hàm an ninh con người và phục vụ cao nhất cho con người.

Vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội là tư duy, nhận thức rất mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trước môi trường an ninh, phát triển của đất nước và yêu cầu ngày càng cao trong bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân trước những nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang gia tăng. Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, khơi dậy sự tự nguyện, tự giác, tham gia tích cực của mỗi người dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Quân đội với những phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chặt chẽ, phù hợp theo từng cấp độ đe dọa an ninh con người, an ninh xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật.

Với nội hàm an ninh con người theo tư duy mới của Đảng, việc triển khai thực hiện sẽ tác động tích cực đối với người dân và xã hội. Trước hết, việc thể chế hóa tư duy mới của Đảng thành các quy định pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ an ninh con người, an ninh xã hội trước những thách thức mới đến từ các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Người dân sẽ được bảo vệ đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trước những vấn đề an ninh mới nổi lên như an ninh dữ liệu, an ninh cá nhân, an ninh kết nối. Kỷ cương xã hội, kể cả trên không gian mạng được tăng cường, góp phần củng cố ngày càng vững chắc môi trường an toàn, lành mạnh, trật tự bảo vệ cuộc sống của người dân.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ