A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn khu Khu Cháy-Dấu tích còn ở lại

 

QPTĐ-Trong số các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, “địa chỉ đỏ” Khu Cháy, hay còn gọi An toàn khu (ATK) phía Nam Hà Nội có sức hấp dẫn lạ kỳ với thế hệ trẻ Thủ đô. Thời gian đã qua đi hơn nửa thế kỷ nhưng các dấu tích chiến tranh cách mạng của quân và dân nơi đây vẫn còn đó như những tượng đài bất hủ.

Tượng đài Khu Cháy kiên cường.

Men theo dòng lịch sử, chúng tôi tìm về xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội-vị trí chiến lược quan trọng thuộc vành đai bảo vệ Khu Cháy-An toàn khu của quân ta thuộc tỉnh Hà Đông; cầu nối liên lạc giữa khu du kích Khu Cháy với vùng tạm chiếm Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nam trong suốt những năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Thật may mắn, tại đây chúng tôi tiếp cận được 2 dấu tích rất quan trọng: Hai cây lộc vừng cứu quốc (nơi đặt hòm thư cất giấu mọi công văn, chỉ thị của tỉnh Hà Đông chỉ đạo cuộc cách mạng) và căn hầm bí mật được bố trí trong lòng ngôi mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Văn, nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Đông, triển khai chiến đấu, phát động quần chúng vùng dậy phá tề, mở rộng khu du kích thành một vùng rộng lớn thuộc Nam Ứng Hòa-Trung Tây Phú Xuyên; nơi chở che, nuôi giấu một số lãnh đạo cao cấp của Đảng và Tổng Bí thư Đỗ Mười trong những năm tháng cách mạng. 

Cụ Nguyễn Thị Phúc, Thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ (sinh năm 1935, vợ liệt sỹ), từng là liên lạc trong những ngày kháng chiến nhớ lại: “Khi đó, tôi mới 11, 12 tuổi, được sự chỉ đạo của cấp trên, tôi thường mang xạ ra gần cây lộc vừng bắt cua, khi thấy cán bộ của ta thì dẫn về nơi trú ẩn an toàn. Khi đồng chí Đường dẫn cụ Mười sang Chuyên Mỹ, tôi có nhiệm vụ đưa cụ về hầm thuộc dòng họ Nguyễn Văn, hoặc những căn cứ an toàn”.

Điều đáng nói, suốt từ năm 1951-1954, khi có hòm thư bí mật chỉ đạo kháng chiến, có địa điểm họp bàn tác chiến tại khu cây lộc vừng cứu quốc, cục diện đấu tranh ở xã và huyện đã thay đổi rõ rệt. 

Bác Nguyễn Văn Hỏi, Thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ cho biết: “Ngôi mộ Tổ của dòng họ chúng tôi ở mô đất cao nhất của cánh đồng làng Chuông nên được chọn làm căn hầm bí mật, nơi an toàn, nơi liên lạc để Ban chỉ đạo cuộc kháng chiến của Quân khu 3, Tỉnh đội Hà Đông và Huyện ủy Phú Xuyên hội họp, bàn bạc về các công việc chống càn. Theo các cụ kể lại thì căn hầm có thể kê được 12 ghế cho các cuộc họp”.

Với dã tâm của thực dân Pháp: “Nếu không chiếm đóng được Chuyên Mỹ thì hủy diệt, biến nơi đây thành vành đai trắng, cắt đứt liên lạc giữa vùng tạm chiếm với vùng tự do Khu Cháy”. Song với tinh thần dũng cảm, lòng quyết tâm bám đất, giữ làng, cộng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng được đưa ra từ điểm khu hai cây lộc vừng cứu quốc và căn hầm bí mật, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Chuyên Mỹ đã đứng dậy chiến đấu, đánh thắng mọi trận chiến với kẻ thù, tiêu biểu là trận chiến của du kích xã ngày 7/9/1953 (dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười) đã tiêu diệt một đại đội địch, thu nhiều vũ khí, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Rời vành đai bảo vệ Khu Cháy, chúng tôi có mặt tại vùng lõi ATK Khu Cháy. Đặt chân bên tượng đài Khu Cháy anh hùng và Bảo tàng Khu Cháy (xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội), trong vô vàn những tài liệu, hiện vật tại đây, ATK được hiện lên rất rõ. Tác phẩm "Hà Tây quê lụa" với câu hát: "Thóc vàng khu Cháy. Hà Tây cửa ngõ Thủ đô..." chợt bừng lên trong nắng tháng 5 hòa với hình ảnh Khu Cháy ngùn ngụt trong khói bom cùng với cuộc chiến đấu đầy khốc liệt của quân và dân ta mỗi khi giặc Pháp tràn về.

Quay trở lại lịch sử, năm 1942, ở vào thời điểm khó khăn, gian khổ nhất, Xứ ủy Bắc kỳ đã chọn Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, một xã nằm ở rốn nước khu vực phía Nam tỉnh Hà Đông là Trung tâm An toàn khu (ATK) của Xứ ủy Bắc kỳ, nơi bảo vệ cán bộ cơ quan đầu não của Xứ ủy, nơi tổ chức các cuộc họp bí mật, các lớp huấn luyện cán bộ, nơi in ấn, cất giấu những tài liệu mật của Xứ ủy. Mảnh đất Khu Cháy từng ghi dấu nhiều hoạt động của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Trần Thị Minh Châu, Đỗ Mười, Bạch Thành Phong…
Dù thời gian đã phủ mờ hơn 70 năm, những dấu tích cách mạng nơi đây như: Đình Choong, ngôi nhà của bà Nấm… tuy không còn vẹn nguyên nhưng vẫn còn đó như vết son của lịch sử. 

Đứng tại sân Đình Choong, xã Trầm Lộng, CCB Trần Quyết Tiến, người viết sử của thôn Trầm Lộng giới thiệu với chúng tôi: “Xưa kia đây là trung tâm của ATK Xứ ủy Bắc kỳ, bác Bạch Thành Phong lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông về đây làm việc, trao đổi, động viên và tháng 4 năm 1941 ở đây thành lập Mặt trận Việt Minh. Bác Hoàng Quốc Việt về đây đầu năm 1942, Bác Đỗ Mười về triển khai phát lệnh và tổ chức lực lượng quần chúng tổng khởi nghĩa năm 1945”.

Là căn cứ kháng chiến, khu du kích đầu tiên của tỉnh Hà Đông, Khu Cháy là bàn đạp quan trọng giữa lòng địch để quân ta chủ động tiến công đánh sâu vào vùng tạm chiếm; nơi che giấu, bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh và nhiều địa phương vùng tả ngạn sông Hồng; đồng thời là hậu phương quan trọng, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến. 

Mặc dù bị kẻ địch liên tục càn quét, cướp phá, hàng ngàn người dân bị bắt bớ, giết hại, nhiều cán bộ, bộ đội, du kích hy sinh, nhiều cơ sở bị phá vỡ… nhưng với ý chí kiên cường, Khu Cháy đã anh dũng vượt qua mọi hy sinh, ác liệt, đập tan nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của kẻ địch làm nên những chiến công hiển hách, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và giải phóng huyện nhà như trận Chợ Cháy, Trầm Lộng, Căng-gu-ru... 

Chiến tranh đã lùi xa, đi dọc các xã thuộc địa phận ATK Khu Cháy và các địa phận vành đai bảo vệ năm xưa, gồm: Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ (Ứng Hòa), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) và một số vùng lân cận…, ai cũng nhận thấy sự  thay da, đổi thịt rõ rệt. Từ một mảnh đất bị giặc càn quét, tàn phá, quanh năm đồng lầy, nước lụt giờ đã hồi sinh, bát ngát màu xanh nhựa sống. Những con đường bê tông sạch sẽ, các làng nghề sầm uất như khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, áo dài Trạch Xá... quanh năm tấp nập người mua, kẻ bán; những cánh đồng thẳng cánh cò bay; những khu trang trại đa canh; mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; những con đường khang trang chạy qua các xóm làng trù phú dường như xóa bỏ hoàn toàn dấu vết của chiến tranh. Tất cả những đổi thay ấy là nhờ có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nơi đây. 

Nghệ nhân khảm ốc xà cừ Nguyễn Đình Hải, thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ cho biết: Tôi theo nghề từ khi còn nhỏ, xưởng sản xuất của gia đình ở cuối làng nên khách thập phương không tiện ghé thăm. Nếu có một khu giới thiệu các nghề truyền thống của địa phương thì rất thuận lợi, vừa quảng bá được các thế mạnh của xã, giảm ô nhiễm môi trường, đem lại thu nhập ổn định cho người dân…

Có được trang sử rạng rỡ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những thành quả kinh tế-xã hội-văn hóa hôm nay, ngoài tinh thần quyết thắng, quyết không chịu đói nghèo của quân và dân Khu Cháy, còn có máu, xương của biết bao người con quê hương và các địa phương. Họ ngã xuống để đất nước trường tồn. Từ vành đai bảo vệ Khu Cháy đến vùng lõi của ATK …đâu đâu ta cũng bắt gặp những hàng dài danh sách liệt sĩ, rất nhiều người chưa có tên…

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đánh cụm từ ATK Khu Cháy, hoặc Khu Cháy trên Google-một phương tiện tìm kiếm hữu hiệu nhất hiện nay, ta chỉ tìm được rất ít nội dung liên quan, trong khi viết cụm từ “làng nghề khảm trai” Chuyên Mỹ, số liệu tìm thấy hoàn toàn ngược lại. Điều đáng nói, không ít người, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Khu Cháy, hoặc gắn bó nhiều năm với vùng đất cách mạng này khi được hỏi về lịch sử Khu Cháy, dường như họ vẫn chưa được cặn kẽ.

Tất nhiên, ATK Khu Cháy, những chiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân nơi đây được ghi rất rõ trong lịch sử Đảng bộ mỗi địa phương, ở Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), một số dấu tích như cây lộc vừng cứu quốc cũng được Đảng, Nhà nước công nhận là Di tích Cách mạng. Tại Ứng Hòa, Bảo tàng và Tượng đài chiến thắng Khu Cháy cũng đã lần lượt được dựng lên năm 1964, 1984 tại xã Đồng Tân, song theo khảo sát của chúng tôi thì tài liệu và hiện vật đó vẫn chưa tương xứng với những thành quả về những năm tháng kháng chiến hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, Nhân viên Bảo tàng Khu Cháy, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa chia sẻ: Bảo tàng hiện có khoảng 30 hiện vật, trong đó liên quan đến ATK Khu Cháy khoảng 20. Số hiện vật đó quá ít để nói lên truyền thống anh hùng Khu Cháy, vì nhắc đến Khu Cháy là nói đến địa danh đi vào lịch sử, nói đến khu du kích nhỏ nằm trong lòng địch. Do vậy, chúng tôi mong muốn Thành phố, các cấp chính quyền có sự quan tâm đầu tư hơn nữa, nếu bố trí một khu trưng bày di tích lịch sử kết hợp giới thiệu làng nghề truyền thống tới mọi người dân sẽ rất hiệu quả”.

Một ngày không xa, nếu những mong muốn đó thành hiện thực, khi trở lại Khu Cháy kiên cường, ta không chỉ dễ dàng tìm hiểu nghệ thuật đánh giặc, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân nơi đây, mà còn có cơ hội chạm vào những nét văn hóa độc đáo của các vùng quê Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín… trong cùng một không gian văn hóa. Đó là di sản quý giá trong kháng chiến và trong hôm nay, để thế hệ mai sau mãi mãi tự hào, khắc ghi.

Trần Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ