A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội quyết tử và hào hoa

 

Hà Nội mùa Đông năm 1946. (Tranh minh họa: Đ.Thân)

Quân và dân Hà Nội mở đầu trận đánh giặc Pháp 9 năm ròng, cuộc trường kỳ kháng chiến, bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng đêm 19/12/1946. Thủ đô Hà Nội, 60 ngày đêm rực lửa. Tiếng súng, tiếng thét, tiếng hô, tiếng sóng dậy của dòng sông Hồng, tiếng xẻng đào đất mở chiến hào, tiếng đục đường, tiếng động ầm ầm của việc dựng chiến lũy, tất cả hòa thành một âm vang chiến trận vừa hào hùng, vừa quyết liệt.

Hà Nội vào trận đánh lớn này mang một nét riêng: Vừa quyết liệt vừa hào hoa; vừa hăng say vừa lãng mạn. Đại đội trưởng vẫn đeo chiếc “lắc” vuông trên cổ tay; cô tự vệ cứu thương đội mũ ca-nô lệch, môi vẫn phớt đỏ bằng son tô. Anh bộ đội chủ lực kiên trì bám trụ trên địa bàn nóng như dầu sôi (thuộc Liên khu I). Dao thái thịt chợ Đồng Xuân vào trận. Mái chèo tứ tổng chở quân qua sông…

Và đây là những khẩu hiệu kẻ, viết trên tường; có lẽ sau ngày Nam Bộ kháng chiến thì trên địa bàn Thủ đô xuất hiện những khẩu hiệu mang tinh thần quyết chiến, mang ý chí quyết tử. Bây giờ đọc lại vẫn cảm thấy “nóng ran” trong người, vẫn cảm thấy sự thôi thúc phải xông ngay vào trận đánh quân thù.

Khắp đường phố, những khẩu hiệu được “trình bày” bằng đủ kiểu chữ, bằng nhiều màu khác nhau (đỏ, đen, xám, trắng).

- Mỗi người dân là một chiến sĩ!

- Mỗi nhà là một pháo đài!

- Mỗi phố là một chiến tuyến!

- Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!

- Hà Nội-Stalingrat của Việt Nam!

Rạp Tố Như, buổi sáng ngày 14/01/1947, Lễ tuyên thệ của Trung đoàn Thủ đô “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” được  tổ chức trang nghiêm trong không khí rừng rực lửa chiến đấu. Người bước lên bục cao đầu tiên là đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 (sau này là Thượng tướng, giáo sư), thay mặt cán bộ, chiến sĩ nói lên quyết tâm chiến đấu của đơn vị:

Kẻ thù mưu toan đánh chớp nhoáng, bằng những chiến công trên từng ngả đường, từng góc phố, từng căn nhà. Gần một tháng rồi, chúng ta vẫn trụ vững ở Liên khu I này trước xe tăng, đại bác của chúng.

Kẻ thù định tiêu diệt chúng ta trong vòng vây lửa của chúng, nhưng chính chúng ta đã tập hợp thành một trung đoàn (Trung đoàn Thủ đô). Cả nước hướng về Hà Nội, tự hào vì có chúng ta và đang theo dõi cuộc chiến đấu hào hùng của chúng ta. Chúng ta thề: “Thề sống chết với Thủ đô”; “Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trong tiếng súng âm vang khắp phố phường, đêm sương xuống lạnh giá, ở một góc căn nhà mà bức tường đã được đục thông sang nhà bên cạnh, tiếng ghi ta vẫn bập bùng làm “nền” cho tiếng hát. Người chơi đàn là nhạc sỹ Lương Ngọc Trác, nhà ở phố Hàng Trống, sau này ông là Đại tá, phụ trách Đoàn Văn công quân đội. Tiếng đàn “đi” êm và ngọt. Mấy anh, mấy cô tự vệ sao vuông cất tiếng hát do “Thọ Sten” lĩnh xướng.

“Mây núi rừng thiêng chính khí ca
Lính binh giục bước trên đường xa
Đây hồn chiến sĩ oai hùng ngự
Một thủa binh đao giục lánh nhà…”

Sau cuộc vui, tự vệ Hà Nội lại xách súng đi bắn tỉa, đi tập kích, đi tuần tra.

Hà Nội, những khẩu hiệu, những lời thề, những bài ca, tất cả đã đi vào sử sách, vào trí nhớ của nhiều người.

“Thủ Đô vào trận năm xưa
Chiến công đỏ thắm lá cờ vàng sao”.

Đông Xuân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ