A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa, bâng khuâng nỗi nhớ...

QPTĐ-Mười một năm qua (2009 -2019), thành phố Hà Nội đã tổ chức 10 Đoàn công tác đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, tôi có vinh dự 3 lần được cùng Đoàn đến với Trường Sa. Mỗi một chuyến đi là một kỷ niệm đẹp, một trải nghiệm khó quên. Trong những chuyến đi đáng nhớ đó, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời Trường Sa, người lính trẻ hiên ngang bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền, dòng tâm tình của người lính khi hoàn thành nhiệm vụ về đất liền… luôn khiến tim tôi thổn thức mỗi khi nhớ đến. Và câu hát: “Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển dẫu yên, lòng ta lay động…” còn ngân mãi trong tôi.

 

 

Chắc tay súng canh giữ biển, đảo quê hương.

 

Thân thương Trường Sa


May mắn công tác Trường Sa vào những ngày tháng Tư lịch sử, lần nào tôi cũng được trải nghiệm bầu không khí rộn ràng kỷ niệm chiến thắng 30-4 hào hùng của dân tộc. Cùng với đó là điều kiện cuộc sống khó khăn, gian khổ, cách trở về địa lý, khắc nghiệt về thời tiết và tình hình phức tạp trên biển Đông. Từ đó, càng thêm khâm phục, tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những cống hiến, hy sinh to lớn của quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. 

 

 

Duy trì trật tự nội vụ vệ sinh trên đảo Sơn Ca.


Mỗi lần đến với Trường Sa, tôi đều cố gắng quay, chụp thật nhiều hình ảnh sống động, cảm nhận bằng trái tim mình với những gì thấy được trong suốt hải trình. Nhớ cái nắng bỏng rát, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng bên cột mốc chủ quyền, người lính biển vẫn chắc tay súng, đứng gác nghiêm trang. Là người lính, đã không biết bao lần tham gia những buổi chào cờ nhưng được chào cờ ngay bên cột mốc chủ quyền, niềm kiêu hãnh và cảm xúc thiêng liêng dâng trào khôn tả. Trong mênh mông biển trời, tiếng Quốc ca hùng tráng, lời thề của chiến sĩ Trường Sa lại vang lên như một lời hứa sắt son, thể hiện quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Trường Sa hôm nay đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn. Các công trình như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa, nhà truyền thống, trường học... là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân, dân huyện đảo, để huyện đảo gần hơn với đất liền. Bộ đội trên các đảo và Nhà giàn DK1 luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, được đào tạo huấn luyện cơ bản, có ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Quân và dân đang sát cánh bên nhau tạo thành những pháo đài vững chắc, ngăn chặn, xua tan mọi âm mưu nhòm ngó của nước ngoài.


Trong hành trình đến với Trường Sa, bao giờ các đoàn cũng được dự Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã gửi lại tuổi thanh xuân giữa biển trời mênh mông. Thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ-những người con trung  kiên, dũng cảm đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi cây san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Nối tiếp các thế hệ cha anh, thế hệ sau đời đời trân trọng, ghi lòng, tạc dạ những công lao và sự hi sinh vô bờ bến vì sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc, vì thế đứng kiêu hãnh nơi tuyến đầu của Trường Sa.

 

Tâm tình lính đảo


Trong cuộc đời quân ngũ, mỗi người lính đều có những kỷ niệm đẹp của riêng mình về cuộc sống, công tác và nghĩa tình đồng đội. Đến một số đảo nổi và đảo chìm ở Trường Sa, chúng tôi tình cờ được biết cuốn sổ “Tâm tình đồng đội”, nơi lưu giữ lại bút tích như một kỷ vật tinh thần, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, niềm tin nhắn gửi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng sống và thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Tại đảo Đá Nam, Thượng úy Nguyễn Huy Hải, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đảo từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2015 chia sẻ: “Với tôi, được khoác trên mình bộ quân phục người lính Hải quân là một ước mơ thời Trung học phổ thông. Và giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được ra đây công tác, góp sức mình bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.


Còn ở đảo Đá Đông A, Trung sĩ Doãn Trần Bá Thanh, Nhân viên Ra-đa bộc bạch: “Ngày đầu tiên tôi lên đảo là một ngày đẹp trời, gió thổi nhẹ, biển êm ả. Tôi và các đồng đội thay quân thật an toàn. Ngày thứ hai, tôi bắt đầu làm quen với ngôi nhà mới của mình. Những cơn mưa biển bất chợt ập xuống, những cơn sóng nổi lên cuồn cuộn, từng đợt trắng xóa. Khi những giọt mưa rơi xuống, tôi thấy mọi người trên đảo đều vui mừng, còn vui hơn cả nhặt được vàng. Tất cả không ai bảo ai, tự giác tìm kiếm các vật dụng như xô, thùng, gàu, chậu ra hứng nước mưa, cùng nhau tắm mưa reo hò. Sau này, tôi mới nhận ra, hạt mưa kia là món quà vô giá được thiên nhiên ban tặng”.


Thượng tá Phạm Văn Thường, cán bộ Ban Chính trị, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng có nhiều kỷ niệm về những năm công tác tại quần đảo Trường Sa. Trong nhật ký của mình, anh viết: “…Ba hồi còi tàu vang lên báo hiệu tàu rời đất liền. Cũng như mọi người, tôi và An chạy ra boong tàu chào đất liền, chào đồng đội để ra đảo Sơn Ca công tác với bao tâm trạng. Đang mải mê vẫy tay chào, tôi bỗng nghe thấy tiếng ai đó hô lớn: “…Nếu là con trai, đặt tên là Trường Sa, con gái tên là Sơn Ca, em nhé!”. Quay sang, tôi bỗng sửng sốt: Long đi Sơn Ca à? Không trả lời tôi, Long nói: “Vợ mình đấy! Cô ấy có bầu được 4 tháng rồi…”. Thấm thoát đã nửa năm trời, hôm toàn đảo phấn khởi đón tàu ra, chuyến xuồng đầu tiên vào đảo bao giờ cũng vậy. Đó là chở thư, báo-món quà quý giá nhất của lính đảo. Chạy vội ra cầu tàu, tôi gặp nhiều người đang vui mừng mở những lá thư từ đất liền. Gặp Long vừa chạy vừa hô lớn: “Em đặt tên con là Trường Sa anh ạ!” Mọi người vui niềm vui của Long”.


Và còn rất nhiều dòng lưu bút chân thành, mộc mạc của cán bộ, chiến sĩ được thực hiện ngay trong thời gian công tác tại đơn vị và trước lúc chia tay rời đảo mà tôi đã chụp được. Tất cả đều thể hiện được tinh thần lạc quan trong gian khó của Bộ đội Cụ Hồ. Tinh thần ấy lại tiếp thêm nhiệt huyết cách mạng, niềm tin và ý chí sắt đá cho các thế hệ kế tiếp phát huy truyền thống, quyết tâm phấn đấu cống hiến hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng huyện đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ