A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Quân đội Phát huy truyền thống “Trung thực-Chính xác-Khoa học-Tỷ mỉ”

QPTĐ-Cùng với quá trình phát triển về tổ chức quân đội, việc trang bị vũ khí, khí tài hiện đại ngày càng nhiều, đòi hỏi tham số kỹ thuật ngày càng cao. Chỉ riêng một máy bay đã có hơn 100 đồng hồ chỉ thị các tham số bay và tình trạng của hệ thống kỹ thuật. Một trung đoàn không quân có hàng chục xe kỹ thuật, hơn 200 máy đo (chủ yếu là điện và vô tuyến điện) dùng để kiểm chuẩn hàng nghìn tham số kỹ thuật. Một trung đoàn tên lửa cũng có hàng trăm máy đo các loại để kiểm tra, hiệu chỉnh độ chính xác của các dạng tín hiệu, dải tần số, công suất… Ngoài ra, đối với các quân, binh chủng khác như Hải quân, Pháo binh, Tăng-Thiết giáp, Thông tin liên lạc… có rất nhiều loại máy đo, nhất là về điện và vô tuyến điện cùng các phương tiện phục vụ chỉ huy chiến đấu. Tất cả các loại máy đo đều phải được kiểm chuẩn và hiệu chỉnh định kỳ, bảo đảm độ chính xác cao nhất.

Nhân viên Trạm Kiểm định số 02 thực hành kiểm định phương tiện đo áp suất.

 

Xuất phát từ yêu cầu quản lý, kiểm chuẩn, đo lường, từ năm 1965, một số phòng, ban và cơ sở đo lường thuộc các Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân lần lượt được thành lập. Tuy nhiên, do những điều kiện chủ quan, khách quan, ta chưa xây dựng được một hệ thống tổ chức ngành Đo lường trong toàn quân. Vì vậy, việc tổ chức một hệ thống quản lý và kiểm chuẩn đo lường trong Quân đội trở thành một nhu cầu cấp bách và không thể thiếu được. Năm 1969, Viện Kỹ thuật quân sự đã liên hệ với Tổng cục Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng Liên Xô để hợp tác xây dựng ngành Đo lường. Năm 1970, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, Viện Kỹ thuật quân sự Việt Nam đã ký hiệp định với Tổng cục Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng Liên Xô về việc cử chuyên gia sang Việt Nam hợp tác, giúp đỡ xây dựng phòng thí nghiệm kiểm chuẩn máy đo điện và vô tuyến điện cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng với đề án thiết kế Phòng thí nghiệm-công trình 75621, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đo lường, kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa các loại vũ khí, khí tài phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện của Quân đội ta, ngày 3/7/1971, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 103 thành lập Phòng Kiểm tra Đo lường thuộc Viện Kỹ thuật quân sự-một trong những đơn vị tiền thân của Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng ngày nay. Phòng có nhiệm vụ: Kiểm chuẩn và chuẩn hóa các máy đo điện và vô tuyến điện có cấp chính xác cao trong các quân, binh chủng; đề xuất chủ trương, xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý các chế độ, quy định đo lường trong Quân đội. Đây là tổ chức đo lường đầu tiên có nhiệm vụ bảo đảm, quản lý công tác đo lường cho toàn quân.

Thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ và được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 3/6/2005, Tổng cục Kỹ thuật ra Quyết định số 355 xác định và công nhận ngày 3/7/1971 là Ngày truyền thống của Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng. 

Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, với nhiều lần điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, làm tốt chức năng tham mưu quản lý Nhà nước về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đăng kiểm trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, góp phần nâng cao hiệu quả giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu kiểm soát tốt chất lượng vũ khí trang bị và sản phẩm quốc phòng ở các trạng thái; triển khai đồng bộ các mặt công tác kỹ thuật cho trang bị đo lường, thử nghiệm trong toàn quân, hoàn thành kế hoạch hằng năm, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Cục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì (2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2016, 2021), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2015), nhiều lần được Bộ Tổng Tham mưu tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng.

Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, phát huy truyền thống vẻ vang của Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng: “Trung thực-Chính xác-Khoa học-Tỷ mỉ”, những năm qua, ngành Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đã bám sát nhiệm vụ, chủ động tham mưu với thủ trưởng Cục Hậu cần-Kỹ thuật tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành toàn diện các nội dung công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và đăng kiểm quân sự. Thượng tá Trần Văn Việt, Trưởng Ban Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Cục Hậu cần-Kỹ thuật chia sẻ: Hằng năm, ngành đã tham mưu xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, đăng kiểm quân sự và huấn luyện chuyên ngành; duy trì hoạt động của Trạm Đo lường-Chất lượng. Trong thực hiện mua sắm, đặt hàng sản xuất vũ khí trang bị, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc phê duyệt tính năng kỹ, chiến thuật, giám định chất lượng, nghiệm thu, bàn giao theo quy định. Trong sản xuất, sửa chữa, chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật hoàn thiện các văn bản quản lý, các quy định áp dụng trong kiểm tra chất lượng sản phẩm phù hợp với quy định quản lý của Bộ Quốc phòng, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, công nghệ; duy trì thực hiện nghiêm quy trình công nghệ và tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, đảm bảo chất lượng sau sửa chữa…Kết quả nổi bật khác, ngành đã làm tốt công tác chuẩn bị, tham gia Hội thi ngành Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng toàn quân lần thứ 6 năm 2023 đạt 1 giải Nhất nội dung thi Nghiệp vụ ngành, 1 giải Ba nội dung thi cơ sở Đo lường-Chất lượng, 1 giải Ba nội dung thực hành kiểm định phương tiện đo áp suất…

Những năm tới, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, cán bộ, nhân viên ngành Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng toàn quân không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững bước vào Kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Đức Trọng
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội