Bảo tàng Chiến thắng B-52: Biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang
QPTĐ-Bảo tàng Chiến thắng B-52 được thành lập ngày 10/01/ 1986, khánh thành ngày 22/12/1997 và tiếp tục được nâng cấp, cải tạo, hoàn thành tháng 12/2012, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Bảo tàng được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang.
Bảo tàng Chiến thắng B-52-địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Xác định vị trí quan trọng của Bảo tàng đối với việc giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ LLVT và thế hệ trẻ, Bảo tàng Chiến thắng B-52 luôn chú trọng đến công tác trưng bày tại chỗ và tổ chức nhiều triển lãm lưu động theo chuyên đề tại các địa phương. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm, bảo quản một khối lượng lớn hiện vật, trưng bày theo không gian trong nhà và ngoài trời. Ở phần trưng bày trong nhà (diện tích 1.500 mét vuông), Bảo tàng giới thiệu truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của LLVT Thủ đô qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, điểm nhấn là tổ hợp trưng bày 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô; LLVT Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; tổ hợp trưng bày Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” với chuyên đề tội ác và sự trừng phạt và sa bàn thể hiện diễn biến chính của Chiến dịch.
Phần ngoài trời (diện tích 4.000 mét vuông) giới thiệu vũ khí, khí tài lập công của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, đặc biệt là trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972; ra-đa dẫn đường P35 của Đại đội 45, Trung đoàn 291 sử dụng phát hiện sớm máy bay B-52 của Mỹ đánh vào Hà Nội ngày 18/12/1972; bệ phóng tên lửa SAM2 của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 sử dụng bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52 của Mỹ hồi 23 giờ 05 phút ngày 27/12/1972; xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972-bằng chứng về sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ trong bước leo thang đánh phá Hà Nội. Các hiện vật hiện nay đều được kiểm kê, bảo quản tốt, đúng quy định.
Để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, những năm qua, Ban Giám đốc Bảo tàng đã tham mưu hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu xây dựng các giải pháp kiến trúc đổi mới trưng bày, lập hồ sơ các di tích chiến thắng B-52 tiêu biểu. Cùng với đó, tham gia thực hiện các tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống của LLVT Thủ đô Hà Nội, phối hợp tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT và đông đảo nhân dân. Nhờ vậy, mỗi năm Bảo tàng đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống (năm 2018 đón trên 34 nghìn lượt khách tham quan).
Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều buổi gặp mặt, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, học sinh các nhà trường, cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Thủ đô. Khách đến tham quan Bảo tàng từ nhân dân trong nước, cho đến khách quốc tế, ai nấy đều trân trọng truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường cách mạng của LLVT Thủ đô.
Những ngày này, Bảo tàng đang được tu sửa để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống của các tầng lớp nhân dân. Cùng với quan tâm đến công tác sưu tầm hiện vật, đổi mới hình thức trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động, Bảo tàng đã nghiên cứu, đề xuất kết hợp chặt chẽ giữa trưng bày cố định tại Bảo tàng với không gian di tích hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, Ba Đình), nơi xác máy bay B.52 rơi tại chỗ, tạo ra một vùng văn hóa-lịch sử ở trong lòng Thủ đô. Với mong muốn để Bảo tàng xứng đáng là một trung tâm văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho lớp lớp thanh niên, để mọi du khách trong và ngoài nước thêm hiểu và tự hào về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người, qua 33 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng luôn đoàn kết, thống nhất, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới trong trưng bày, sưu tầm hiện vật để bảo tàng “có một không hai” trên thế giới mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang thật sự là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.
Ngọc Hồng