A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68

QPTĐ-Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) đến hơn 37 nghìn điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… trên cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu cán bộ, đảng viên tham dự. Hội nghị quán triệt nghị quyết toàn quốc được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1, VOV giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân cả nước theo dõi.

Đột phá chiến lược đối với kinh tế tư nhân

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và kế hoạch hành động để triển khai các nghị quyết quan trọng này, qua đó thúc đẩy khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Theo đó, hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho hơn 43 triệu lao động, đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Khu vực KTTN cũng chiếm tỷ trọng đầu tư xã hội cao nhất, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, năng suất thấp, khó tiếp cận các nguồn lực, như đất đai, tín dụng, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp, kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Nhận thức rõ vai trò trung tâm của KTTN và yêu cầu đổi mới tư duy, thể chế để phát triển kinh tế đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ với những nội dung đột phá, tiếp nối bằng Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội và các kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ không dừng ở chủ trương, mà sẽ hành động quyết liệt với tinh thần “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả. Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/QH15 bao gồm 117 nhiệm vụ cụ thể được phân công cho từng bộ, ngành, địa phương.

Các nhóm giải pháp chính gồm: Cải cách thể chế triệt để; tạo thuận lợi tiếp cận đất đai, tín dụng và nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia và phát huy đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Phát triển KTTN nhanh, bền vững là yêu cầu tất yếu khách quan; là con đường hiệu quả nhất để khơi dậy sức dân, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển”. Với quyết tâm chính trị cao, hệ thống chính sách đồng bộ và hành động quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, khu vực KTTN Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trụ cột vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập và phát triển bền vững. quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Nghị quyết số 198/2025/QH15 đó là: “Đã hứa thì phải làm; đã cam kết thì phải thực hiện”, thể hiện mạnh mẽ quan điểm hỗ trợ khu vực tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế quốc gia.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Tiếp theo, hội nghị đã nghe đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay sau khi Nghị quyết số 66 được Bộ Chính trị ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban; các thành viên khác là Trưởng một số ban Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng một số bộ, ngành, cơ quan, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết.

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, Nghị quyết ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, khi mà thể chế, pháp luật phải trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật mà cả cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có trên phạm vi toàn cầu về địa chính trị, địa kinh tế, về cạnh tranh chiến lược, về sự dịch chuyển mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế, bùng nổ khoa học công nghệ, cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”.

Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: Kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố. Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Nhìn về tương lai, chúng ta xác định rõ: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị: Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Hôm nay, chúng ta vừa nghe đồng chí Thủ tướng quán triệt Nghị quyết 68: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; đồng chí Chủ tịch Quốc hội quán triệt Nghị quyết 66: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Vì vậy, tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam – Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.

Việt Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội