Bức tranh Bác Hồ giữa Thủ đô
QPTĐ-45 năm qua, bức tranh cổ động “Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên mặt trước Nhà Thông tin Thành phố (số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu của khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hình ảnh Bác cười hiền hậu, yêu thương ôm một em bé bầu bĩnh đem lại cảm xúc trân trọng hòa bình và hy vọng tương lai tươi sáng cho bao thế hệ người Hà Nội nhưng ít người biết tác giả bức tranh là họa sĩ cách mạng Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Họa sĩ Trần Từ Thành sinh năm 1944 tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm, từ một chú bé miền quê nghèo với ước mơ làm họa sĩ đến sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ chuyên nghiệp, giảng viên đại học và một nhà quản lý ngành giáo dục. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ của thầy Thành đã giảm sút, căn bệnh tuổi già đã khiến bàn tay thầy khó khăn trong việc cầm cọ nhưng tình cảm kính yêu dành cho Bác và niềm tự hào về bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” treo bên Bờ Hồ thì vẫn tràn đầy.
Họa sĩ Từ Thành thuộc lứa họa sĩ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Gia đình ông có truyền thống cách mạng, bản thân ông chịu nhiều mất mát, đau thương vì có tới 5 người thân đã mất vì bom đạn và hy sinh trên chiến trường. Có lẽ đó là lý do tranh của ông thường vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự, ngay sau ngày 30/4/1975, nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông đã muốn vẽ một tác phẩm kỷ niệm sự kiện trọng đại này và trong đầu lóe lên ý tưởng vẽ về Bác gắn với khát vọng hòa bình, độc lập, tự do cả dân tộc. Lời thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Lòng ta không giới tuyến. Lòng ta chung một Cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” như chỉ lối cho ông. Từ lúc nung nấu cho đến khi đặt những nét vẽ đầu tiên mất cả năm trời nhưng nguồn cảm hứng mãnh liệt đã khiến ông nhanh chóng hoàn thành bức tranh sau 2 tuần miệt mài.
Sau khi cân nhắc thể loại, họa sĩ quyết định thể hiện bằng ngôn ngữ đồ họa với những đường nét cô đọng, súc tích, tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào thị giác người xem, chuyển thông điệp đến trí óc và trái tim khán giả có khi nhanh như chớp mắt. Tranh được vẽ bằng chất liệu bột màu trên giấy báo bình thường với các hình ảnh hội tụ: Chân dung Bác Hồ tươi cười hiền hậu ôm em bé bố cục ở chính giữa; bên phải là sải cánh chim bồ câu kết thành hình chữ S và mắt chim là sao vàng 5 cánh trên nền đỏ biểu tượng cho đất nước và Thủ đô; chim bồ câu và cành ô liu mang ý nghĩa hòa bình. Từng đường nét đơn sơ, mộc mạc và thanh thoát, 3 màu đỏ-xanh-đen cô đọng trong toàn bộ khung hình. Bức tranh lúc đầu có số “1976” ở phía dưới là năm Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước, sau đổi thành: “Độc lập thống nhất-Hòa bình hạnh phúc”. Ông muốn truyền tải thông điệp đất nước hòa bình, thống nhất, phát triển và tôn vinh công lao vĩ đại của Bác trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc cũng như đặt niềm tin vào thế hệ trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1976, bức tranh đạt giải Nhì trong cuộc Triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội và được Bộ Văn hóa xuất bản, in gần 5 vạn tờ phát hành toàn quốc. 5 năm sau, Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội cũng tiến hành phóng to bức tranh lên kích cỡ 4,2m để treo lên mặt trước Nhà Thông tin Thành phố, bên dưới là dòng chữ mang tâm huyết của Bác: “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Khi nhắc về Bác, họa sĩ Trần Từ Thành không thể quên được lần duy nhất trong đời vinh dự được gặp Bác là năm 1963 tại Đại hội Văn hóa toàn quốc diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi Bác tới có hỏi mọi người rằng ai ít tuổi nhất, ai nhiều tuổi nhất ở đây. Rồi Bác ôm người trẻ nhất là Trà Giang và người già nhất là Nguyễn Văn Chánh. Điều đó tượng trưng cho Bác ôm một thế hệ trẻ và một thế hệ già tức là Bác nhắn nhủ rằng hai thể hệ trẻ và già phải tiếp nối nhau giữ gìn cho được mảnh đất này, Tổ quốc này. Bác phát biểu, văn nghệ cũng là cây bút chiến đấu, tất cả những người dự Đại hội ở đây đều là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những điều này đã tác động mạnh đến tình cảm, suy nghĩ và đề tài sáng tác của họa sĩ. Ông xúc động: “Tôi choáng ngợp trước Hồ Chủ tịch, Bác vĩ đại mà ấm áp, mỗi hành động, mỗi lời nói của Người là một bài học cho tôi và các nghệ sĩ có mặt hôm đó”. Riêng đề tài về Bác, các sáng tác của họa sĩ Từ Thành có thể kể đến bức tranh lụa “Bác đi chiến dịch ở Việt Bắc" với hình ảnh Bác Hồ cưỡi ngựa, hiện được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ; tranh sơn mài “Nhật ký Khuổi Nặm”, tranh sơn dầu “Ngày về” vẽ hình ảnh Bác Hồ bên cột mốc 108 ở Cao Bằng trong ngày đầu tiên Bác trở về nước…
Như họa sĩ Trần Từ Thành chia sẻ, dù sáng tác rất nhiều nhưng bức tranh cổ động “Bác Hồ với thiếu nhi” vẫn là bức tranh thành công nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông, là tác phẩm ông tự hào nhất mà mỗi lần có dịp đi qua hồ Hoàn Kiếm ông đều dừng chân, ngắm nghía và mỉm cười. Những năm qua, nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế đã tìm đến ông hỏi mua bản gốc của bức tranh nhưng ông đều từ chối. Năm 2019, nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác, ông đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn tác phẩm sẽ được Bảo tàng lưu giữ thật tốt, để lưu lại tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu tự do, chăm lo cho thế hệ tương lai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn.
Giữa mùa tháng 5 nắng rực rỡ, dừng chân nơi ngã tư Bờ Hồ, hình ảnh Bác nâng niu em bé cười dịu dàng trên bức tranh đơn giản màu xanh-trắng hòa quyện với màu xanh mát của hồ Gươm khiến lòng người như dịu lại, thêm yêu cuộc sống, yêu Thủ đô, đất nước hòa bình, thầm biết ơn Hồ Chủ tịch và thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trang Anh