A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thất bại Cách mạng Màu ở Belarus!

QPTĐ-Hơn 1 tháng qua, biểu tình vẫn nổ ra ở nhiều thành phố, kể cả thủ đô Minsk nhưng giới bình luận chính trị cho rằng, Belarus đã tránh được một “Maidan Kiev mới” hay nói cách khác, Cách mạng Màu nhập khẩu từ phương Tây đã nếm mùi thất bại. Bằng chứng là, Tổng thống A.Lukashenko (gọi tắt là A.Luka) vẫn đứng vững trước sức ép của phương Tây, được quân đội bảo vệ và đa số người dân ủng hộ. Trong khi đó, các thủ lĩnh phe đối lập đã bỏ trốn hoặc bị trục xuất ra nước ngoài. Belarus đăng cai tập trận quân sự chung “Tình anh em Slav-2020” gồm 3 nước: Nga-Serbia-Belarus, diễn tập chống khủng bố.

Biểu tình bạo động bùng phát ở Belarus bắt đầu từ ngày 10/8 sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) tuyên bố, Tổng thống A.Luka tái cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80,1% phiếu bầu, ứng cử viên đối lập Eilil Tikhanovskaya đứng thứ 2, được 10,12% phiếu. Lập tức, bà Eilil tuyên bố, có gian lận bầu cử, đáng ra bà phải được 60-70% số phiếu và kêu gọi xuống dân chúng đường biểu tình. Sau khi bí mật trốn sang Litva (đêm 11/8), bà Eilil không quên kêu gọi Tổng thống A.Luka chuyển giao quyền lực. 

Cách mạng màu ở Belarus đã thất bại.

Belarus là quốc gia Đông Âu, thuộc Liên bang Xô Viết, tuyên bố độc lập năm 1991. Với 9,5 triệu dân, Belarus là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đã ký nhiều văn kiện hợp tác kinh tế, thương mại, quân sự-quốc phòng với Nga. Belarus có chung đường biên giới với Ba Lan, các nước Baltic nên được Mỹ và phương Tây hết sức quan tâm, nhằm mở rộng NATO áp sát biên giới Nga. 

Sau Mùa Xuân Arab thành công ở Gruzia, Ukraine; phương Tây thực hiện chiến lược nhập khẩu Cách mạng Màu vào Belarus. Cùng với đối sách tạo cho Belarus “gần Mỹ, xa Nga”, phương Tây tìm cách hạ bệ Tổng thống A.Luka trong cuộc bầu cử đầu tháng 8 vừa qua. 

Tổng thống A.Luka, 65 tuổi, cầm quyền liên tục 5 nhiệm kỳ qua, từ năm 1994, được đánh giá là người có bản lĩnh chính trị, có quan điểm cứng rắn với các đối thủ, có đầu óc thực tế. Trong 26 năm cầm quyền, ông A.Luka đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân nước này. 

Trước các cuộc biểu tình bạo loạn dâng cao ở Belarus, các quan chức Nhà nước, Cảnh sát, nhà báo bị đe dọa, phe đối lập kêu gọi đình công toàn quốc-bước đi của “Maidan đường phố”; ông A.Luka đã điện đàm với “người bạn lớn Nga”-Tổng thống V.Putin, “yêu cầu giúp đỡ”. Và Moskva đã chính thức vào cuộc.

Điện Kremlin công nhận cuộc bầu cử ở Belarus và A.Luka trúng cử là hợp pháp. Tổng thống V.Putin tuyên bố, nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus và Nga sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước CSTO. Theo đề nghị của Tổng thống A.Luka (27/8), một  lực lượng cảnh sát đặc biệt Nga được thành lập sẵn sàng can thiệp vào Belrus khi cần. 

Cùng với đó, Moskva lập tức hỗ trợ Minsk cả về tổ chức, truyền thông, tài chính và hậu thuẫn ngoại giao. Thủ tướng Nga Mishustin bay đến Minsk, hội đàm và cam kết với Tổng thống A.Luka một khoản đầu tư lớn, điều mà Nga đã quên lãng ở Belarus kể từ năm 2012, khiến Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic bất bình. Trong khi đó, Điện  Kremlin lại được đa số người dân Nga và người Belarus thân Nga, nói tiếng Nga ủng hộ.

Được Moskva làm bình phong, Tổng thống A.Luka mạnh tay thanh trừng những “kẻ phản bội”, bạo loạn, vi phạm pháp luật. Người đứng đầu Cơ quan KGB bị thay thế; các Tổng Giám đốc các Tập đoàn Nhà nước hô hào công nhân biểu tình bị cách chức; lãnh đạo phe đối lập bị truy bắt, xét hỏi. Bà Maria Kolesnikova, thủ lĩnh đối lập kiêm lãnh đạo biểu tình cùng các đồng sự: Anton Radnenkov, Ivan Kravtsov, Antonina bị trục xuất sang Ukraine. Nhóm Hội đồng Điều phối đối lập bị điều tra hình sự với cáo buộc phá hoại an ninh quốc gia.

Belarus xác nhận, Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, EU là đối tượng thù địch, không đáng tin cậy. Mối quan hệ anh em Nga-Belarus được khẳng định, “Nước Nga, V.Putin-người bạn lớn yêu quý của tôi”-Ông A.Luka nói.  

Công bằng mà nói, ông A.Luka đang được lòng đa phần dân chúng Belarus, kể cả người Nga. Quỹ “Quan điểm xã hội” Nga mở cuộc thăm dò (dịp cuối tháng 8/2020) cho thấy, 46% số người Nga được hỏi tán thành các hành động của A.Luka; 66% trong số đó ủng hộ ông A.Luka làm Tổng thống chiếm 2/3, chỉ có 24% ủng hộ phe đối lập ở Belarus. 

Dưới con mắt của người dân Nga, A.Luka là một nguyên thủ quốc gia dũng cảm, tỉnh táo và mạnh mẽ. Ông sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong cuộc bầu cử vừa qua và chống biểu tình, bạo loạn; trung thực khi giao tiếp với người dân. Dưới thời A.Luka, mọi công dân đều được bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Ví như, học sinh phổ thông được Chính phủ đài thọ bữa ăn trưa, các gia đình trẻ được cấp căn hộ, người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Ở Belarus, cơ sở hạ tầng được ưu tiên, đường nhựa trải dài đến các làng xóm; mọi người đều quen sống theo Hiến pháp và pháp luật, không có tình trạng tham nhũng tràn lan; không có số lượng đông những kẻ tài phiệt, giảm mức độ phân hóa giàu nghèo. Belarus đứng ở vị trí tiên tiến hàng đầu châu Âu về sự công bằng-Ông A.Ivanov, Tiến sĩ Triết học, Viện Phát triển sáng tạo Nga nhận xét.

Từ 10-15/9, tại Belarus, diễn ra cuộc tập trận quân sự giữa Nga-Serbia-Belarus mang tên “Tình anh em Slav-2020”. Binh sĩ 3 nước phối hợp hành động chung thực thi nhiệm vụ chống khủng bố. Tại thao trường Brestsky  diễn ra cuộc thao diễn của Lữ đoàn đổ bộ đường không số 38 Belarus, cùng với đó là cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 tại Nga. 

Cuộc tập trận này thể hiện quyết tâm, ý chí đoàn kết anh em của 3 quốc gia, trong khi Belarus đang bị đe dọa bởi Cách mạng Màu, phương Tây nhòm ngó.

Trước đó, các cuộc tập trận “Tình anh em Slav” đã diễn ra tại Nga (2015, 2018), Serbia (2016, 2019), Belarus (2017). Trong các cuộc tập trận bắn đạn thật, lính nhảy dù 3 nước thực hành các hoạt động chống khủng bố. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ