QPTĐ- Tuần qua, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn không hề hạ nhiệt, giao tranh dữ dội ở thành phố Bakhmut, Donetsk, miền Đông Donbass. Mỹ, khối quân sự NATO và phương Tây không ngừng gửi vũ khí, đạn dược cho chính quyền Kiev. Tổng thống Ukraine V.Zelensky tuyên bố, thời cơ tổng phản công đã đến, sẽ tái chiếm các vùng lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea.
Hệ thống pháo phản lực Smerch của Nga khai hỏa trong chiến dịch ở Ukraine.
Ảnh: Internet
Phát biểu với NBC News, Thủ tướng Ba Lan M.Morawiecki tuyên bố, “Ukraine có quyền tấn công lãnh thổ Nga”. Những hành động như vậy không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào với các quốc gia hỗ trợ.
“Không quá lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Nga sẽ nhanh chóng thất bại trong một cuộc chiến như vậy và Điện Kremlin biết điều đó. Họ tin chiến sự với Ukraine tức là chiến sự với phương Tây và NATO, trong khi thực tế chúng tôi chỉ đang hỗ trợ một quốc gia bị tấn công”-Thủ tướng Ba Lan nhận định.
Trên tờ Rzeczpospolita (8/4) đăng bài bình luận của chuyên gia Ba Lan cho rằng, nên khôi phục cấu trúc “Khối thịnh vượng chung” bằng cách sáp nhập Ukraine vào Ba Lan hiện đại. “Một Nhà nước Ba Lan lớn và mạnh như vậy có thể chống lại sự tấn công dữ dội từ Nga và bảo đảm sự ổn định và an ninh của toàn khu vực”.
Cùng thời điểm này, báo Strana, ấn phẩm tiếng Ukraine đưa tin: Văn phòng Tổng thống Ukraine đang thảo luận về “Kế hoạch liên minh với Ba Lan. Điều này, cuối cùng sẽ dẫn đến việc tạo ra một Khối thịnh vượng chung mới”. Theo phương Tây, ý tưởng này như một “phương án dự phòng” khi NATO từ chối kết nạp Ukraine.
Đáp trả những thông tin phát đi từ phía Ba Lan, Ukraine và phương Tây, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Duma quốc gia Nga L.Slutsky cho rằng: “Ba Lan tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine đồng nghĩa với việc NATO tham chiến, tất sẽ bùng nổ Thế chiến III. Đây là sự thật không thể chối cãi”.
Viết trên tài khoản Twitter (ngày 14/4), Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga cảnh báo: “Ba Lan có nguy cơ biến mất nếu xảy ra xung đột giữa NATO và Nga”. “Tôi không biết ai sẽ thắng hay thua trong một cuộc chiến như vậy nhưng xét đến vai trò của Ba Lan như một tiền đồn của NATO ở châu Âu, nước này chắc chắn sẽ biến mất cùng với vị Thủ tướng của họ”.
Mấy năm qua, nhất là từ sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine (2/2022), không phải là trụ cột Pháp, Đức; Ba Lan nổi lên, chứng tỏ vai trò xung kích của phương Tây ủng hộ Kiev, đối mặt tuyên chiến với Moskva. Warsaw là địa bàn tập kết, trung chuyển vũ khí, đạn dược của NATO, phương Tây cho Kiev; thậm chí là quốc gia đi đầu gửi xe tăng chủ lực Leopard-1 và 2, máy bay tiêm kích MiG-29 cho Kiev. Ukraine kỳ vọng, Ba Lan sẽ đi đầu, thuyết phục phương Tây gửi tiêm kích hiện đại F-15, F-16 và tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất, cho nước này.
Tuần đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ và Ba Lan tổ chức lễ khánh thành kho niêm cất vũ khí, thiết bị quân sự trang bị cho một lữ đoàn thiết giáp tại căn cứ không quân Powidz (Ba Lan) rộng 60 ha. Tại đây, Lầu Năm Góc đầu tư 182 triệu USD, với sự hiện diện của 5.000 binh sĩ trong số 10.000 linh Mỹ đồn trú ở Ba Lan, 87 xe tăng chủ lực, 45 xe bọc thép chở quân M113, 152 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 18 lựu pháo M109 cỡ nòng 155 mm. Lực lượng này đủ sức giúp Mỹ đáp trả bất cứ mối đe dọa an ninh nào tại khu vực Đông Âu.
Tháng trước, Ba Lan triển khai các bệ phóng tên lửa phóng loạt HIMARS-lựu pháo Mỹ đã phát huy hiệu lực ở Ukraine, trong đơn hàng 500 hệ thống mà Ba Lan đặt mua của Mỹ. Tại đây, Sư đoàn cơ giới số 6 (thành phố Olsztyn, miền Đông Bắc), có khả năng chống trả hệ thống hỏa lực Nga ở khu vực Kaliningard. Được biết, Ba Lan và các nước Baltic chi 28 tỉ USD mua vũ khí Mỹ, trang bị cho chiến tuyến này. Trước đó, Romania, Ba Lan đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Sau các chuyến công du của Tổng thống V.Zelensky đi Mỹ, châu Âu kêu gọi viện trợ vũ khí, Thủ tướng Ukraine D.Shmyhai (12/4) có mặt ở Lầu Năm Góc, kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Austin cung cấp vũ khí hiện đại, đạn dược, trong đó có xe tăng hạng nặng Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley, Stryker, hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm bắn 300 km. Và ông D.Shmyhai cũng có động thái tương tự ở Canada-một thành viên của NATO.
Được biết, dưới thời Tổng thống J.Biden, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine khoảng 120 tỉ USD. “Trong số phân bổ viện trợ cho Ukraine với 4 lần bổ sung, khoảng 60% sẽ dành cho quân đội Mỹ, người lao động Mỹ và hiện đại hóa các kho vũ khí dự trữ. Trên thực tế, chỉ có 20% số tiền trên được chuyển trực tiếp bổ sung cho ngân sách của Chính phủ Ukraine”-Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ M.McCaul cho biết. Qua hơn 1 năm xung đột, với tham vọng chiến thắng Nga, quân đội Kiev cần nhiều hơn số vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh mà phương Tây cung cấp.
Tuần qua, dư luận chấn động khi Guardian dẫn các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ cho biết, NATO có thông tin tình báo chính xác về quân đội Nga, những cam kết của Nhà Trắng với Kiev. Đã có khoảng 100 lính đặc nhiệm NATO trong đó có 50 binh sĩ Anh, Mỹ hoạt động ở Ukraine. Tuy nhiên, phía Mỹ thừa nhận, chỉ có một nhóm nhỏ quân sự Mỹ hiện diện tại Đại sứ quán ở Kiev và Tùy viên quốc phòng, kiểm tra việc vận chuyển hàng viện trợ quân sự Mỹ ở nước này.
Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Ukraine D.Kuleba (14/4) cảnh báo: Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ quyết định nào của NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, Lithuania (7/2023) ngoài việc mời nước này gia nhập liên minh. Năm 2008, NATO đạt thỏa thuận kết nạp Ukraine nhưng không ấn định thời gian cụ thể.
Tại hội nghị Ngoại trưởng NATO vừa qua, các nước thành viên: Mỹ, Pháp, Đức, Hungaria phản đối sức ép từ Ba Lan và các nước Baltic hối thúc kết nạp Ukraine. Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây tránh một cuộc xung đột vũ trang NATO-Nga, dồn Moskva đến quyết định buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhật Kiều