A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không hùa theo “thầy bói mù thích vẽ tranh”

QPTĐ-Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị ở nước ta. Vì vậy, để tiến hành đại hội thành công, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đang khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ, phá hoại công tác nhân sự nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.

Đẩy mạnh Phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nguy hại từ chiêu trò tung “hỏa mù” để xuyên tạc

Công tác nhân sự có vị trí, vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng; đồng thời, có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”. Vì vậy, thời gian qua, công tác nhân sự đã được cấp ủy các cấp rà soát, lựa chọn, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một cách công khai, minh bạch kỹ lưỡng theo quy trình, quy định của Đảng. Cùng với đó, để chỉ đạo tiến hành Đại hội thành công, ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó yêu cầu đặt ra là: “Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định. Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu…”.

Tuy nhiên, giống như bệnh cũ tái phát, cứ mỗi lần đất nước ta có sự kiện chính trị quan trọng, thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị coi đó là cơ hội, mảnh đất màu mỡ để tung tin đồn nhảm. Lần này cũng vậy, để xuyên tạc công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng các trang mạng xã hội, internet, blog cá nhân để phát tán các thông tin xấu độc, xuyên tạc. 

Chúng lật lại các vụ án xét xử tham nhũng trong thời gian qua, rồi cả những cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) vi phạm vào những điều đảng viên không được làm, buộc phải cho thôi tất cả các chức vụ và xử lý kỷ luật, như nguyên Bí thư các tỉnh: Hà Giang; Tuyên Quang; Quảng Ninh… rồi tuyên truyền cho rằng, đây là cuộc “đấu đá nội bộ, thanh trừng phe phái, triệt hạ lẫn nhau, “mở đường” trước thềm đại hội. Còn đối với những CB, ĐV được Đảng và Nhà nước tín nhiệm điều động, bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của các bộ, ban, ngành hay địa phương trong thời gian qua, chúng lại cho rằng, đó là “tạo lập phe cánh”, “phe này”, “phe kia”, “chạy chức chạy quyền”,  xuyên tạc tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây thực chất là chiêu bài “tung hỏa mù” bằng những thông tin xấu độc, mục đích của chúng là bôi đen hiện thực đất nước, xuyên tạc về cán bộ và công tác nhân sự, thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phóng đại, khuyếch trương những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp, kích động chia rẽ nội bộ, từ đó tạo ra nhận thức sai lệch về hiện thực theo chiều hướng xấu.

Tác hại của những thông tin xấu độc này, thường có tính kích động, tạo cảm xúc tiêu cực cho người đọc, dần dần hình thành “niềm tin” vào các thông tin chống phá Nhà nước, chống phá chế độ. Đây là chiêu trò chống phá rất tinh vi, nguy hiểm, bởi vì, nó không chỉ kích động, xuyên tạc sai sự thật trên các mạng xã hội, mà còn là một phương thức gây rối trong thực tế, như thông qua các diễn đàn, tọa đàm, phản biện, viết “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị” góp ý cho Đảng; hay sử dụng đơn thư tố cáo nặc danh, tung tài liệu vu cáo, đả kích chế độ, tác động vào nhân dân. Và thực tiễn cho thấy, trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt này, có không ít người kể cả CB, ĐV đã suy nghĩ một cách giản đơn rồi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội hoặc tán phát trong cộng đồng. Vô hình chung những thông tin này có vỏ bọc vững chắc vì nó được nói ra từ những CB, ĐV có trách nhiệm, mảnh đất sống màu mỡ nhất của thông tin xấu, độc chính là dư luận. Nếu như không bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận thông tin, thì chúng ta sẽ mắc bẫy và tiếp tay cho những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch chống phá.

Nâng cao nhận thức là giải pháp phòng, chống hiệu quả

Trước hết, cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng cho CB, ĐV và mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó, đề cao trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, của từng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; trước hết là Bí thư cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên quan tâm đến công tác tư tưởng, lý luận; trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ nên lồng ghép các buổi sinh hoạt tư tưởng, kịp thời, nhanh nhạy trong nắm bắt, phát hiện các thông tin xấu độc, bịa đặt lan truyền trong xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, để có sự định hướng bằng những thông tin đúng đắn, các luận điểm thuyết phục, phản bác, hạn chế sự lan tỏa ảnh hưởng của các luồng thông tin xấu độc vào nhận thức. 

Đây là nội dung căn cốt, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, muốn làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, cấp ủy Đảng cần lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ, sâu sắc, hiệu quả các các dự thảo văn kiện đại hội. Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cùng với đó là, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đối với công tác nhân sự, có vai trò vị trí hết sức quan trọng trong thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng. Đây cũng là nội dung các thế lực thù địch thường lợi dụng cái gọi là “dân chủ”, “phe này, phe kia” để chống phá. Do đó, lựa chọn nhân sự bầu cử nhiệm kỳ 2025-2030 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ công tác cán bộ và cán bộ. Thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, chống chạy chức chạy quyền “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất” như lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng căn dặn. Phải đặc biệt coi trọng chất lượng, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác nhân sự.

Cùng với đó, là trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và địa phương mình, tránh tình trạng “nghe ngóng”  “nín thở chờ thời”, làm việc cầm chừng hoặc không làm gì cả, sợ đụng chạm ảnh hưởng đến phiếu bầu. Mà cần phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà nhân dân quan tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần vào thành công của đại hội đảng các cấp.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ