A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR: Không có chuyện Việt Nam chỉ hứa suông

QPTĐ-Ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Tại phiên họp, Việt Nam đã thông báo với Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và coi trọng đối với Cơ chế UPR. Song, với cái nhìn thiếu thiện chí và những định kiến sẵn có, một số tổ chức, cá nhân có những bình luận, đánh giá sai sự thực, thậm chí xuyên tạc, vu khống về những cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Trang VOA Tiếng Việt đăng tải bài viết đánh giá sai sự thực, xuyên tạc về những cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Việt Nam coi trọng Cơ chế UPR

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nghiêm túc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam hết sức coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn coi trọng UPR. Xuyên suốt trong 16 năm qua kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm vào cả 4 chu kỳ UPR. Trong đó, ở 3 chu kỳ trước, các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận trong khuôn khổ UPR đều được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ Việt Nam, sự quan tâm và tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân, bên cạnh sự phối hợp, hợp tác hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong chu kỳ III của Cơ chế UPR, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách thức nổi lên như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đến đời sống kinh tế-xã hội, thậm chí đẩy lùi quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia và đặt ra những trở ngại chưa từng có đối với việc đảm bảo các quyền con người cơ bản.

Gần đây nhất, ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Tại phiên họp này, Việt Nam đã thông báo với Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam cũng khẳng định, việc chấp thuận 271 khuyến nghị được xây dựng trên cơ sở tiến hành xem xét, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan. Đồng thời dự kiến một kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị này sẽ được xây dựng và triển khai với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trên tinh thần đối thoại và hợp tác.

Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV đối với Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: Có khoảng 90 nước, các tổ chức quốc tế và một số tổ chức phi chính phủ tham dự phiên họp. Có thể nói tuyệt đại đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, sự tham gia của đoàn Việt Nam trong trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, có nhiều thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt Nam. Nhân dịp này, chúng ta cũng đã cập nhật thông tin về các tiến triển mới kể từ Phiên đối thoại tháng 5 vừa qua trên các lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục bảo đảm các nền tảng cơ bản về phát triển kinh tế-xã hội để bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.

Không cho phép xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam

Tuy nhiên, sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua báo cáo của Việt Nam thì các cá nhân, tổ chức phản động, một số tổ chức gắn mác nhân quyền như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã lên tiếng phản bác, cho rằng việc Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền vẫn chỉ là “những lời hứa suông”. Và “vô cùng thất vọng vì trong số 49 khuyến nghị không được Việt Nam chấp nhận, có nhiều khuyến nghị liên quan trực tiếp đến những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số kêu gọi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị cầm tù vì thực thi các quyền cơ bản của họ”. HRW còn vu khống rằng “Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có ít nhất 171 tù nhân chính trị và ít nhất 21 người bị giam giữ vì lý do chính trị đang chờ xét xử-tất cả đều bị truy tố vì thực thi các quyền dân sự và chính trị một cách ôn hòa”. HRW còn mặt dày cho rằng “Việt Nam đã bác bỏ khuyến nghị sửa đổi các điều 117 (tuyên truyền chống nhà nước) mang tính vi phạm nhân quyền và điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) của Bộ luật Hình sự mà chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích”.

Cùng trong sự kiện này, RFA lại nhanh chóng khai thác một số phần tử phản động, chống đối mà họ gọi dưới cái tên mỹ miều là “giới hoạt động”, “tù nhân lương tâm” như Lê Anh Hùng, Nguyễn Bá Tùng để phủ nhận những cam kết của Việt Nam, kiểu như “Đồng ý hay không đồng ý khuyến nghị của cộng đồng quốc tế thì nó cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi vì ngay cả khi chính quyền Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị thì chưa chắc họ đã thực thi trong thực tế, tức là họ vẫn nói một đằng làm một nẻo như từ trước đến nay”.

Những điều HRW hay RFA nêu ra thật là lố bịch, cố chấp; là sự quy chụp không có căn cứ. Trong suốt 18 năm tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện một cách cao nhất những khuyến nghị đã chấp thuận. Ngay cả khi đối mặt với những khó khăn khách quan như Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội thì Việt Nam cũng là điểm sáng trong vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung, thực hiện các khuyến nghị nói riêng. Việt Nam cũng một số ít quốc gia chủ động, tích cực tổ chức hội thảo, tham vấn để xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III. Những cam kết và kết quả thực hiện những cam kết của Việt Nam, cụ thể là Báo cáo của Việt Nam đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua, cộng đồng quốc tế thừa nhận, đánh giá cao, vậy mà HRW lại cho rằng Việt Nam “hứa suông” chẳng hoá ra HRW không tin tưởng Hội đồng Nhân quyền, phủ nhận đánh giá của Liên hợp quốc.

Việt Nam tôn trọng các khuyến nghị của các nước song không có nghĩa tất cả các khuyến nghị đưa ra đều đúng với thực tế và Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ. Trên thực tế, Việt Nam chấp thuận 271/320 khuyến nghị, đạt 84,7% là một tỷ lệ lớn. Nhưng có những khuyến nghị kiểu như yêu cầu trả tự do cho “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” thì không chính đáng bởi lẽ ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”. Thực chất đó là những tội phạm hình sự mà hầu hết là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đã được xét xử một cách công khai và đúng các quy định của pháp luật. Do đó, những khuyến nghị yêu cầu trả tự do cho “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” không được chấp thuận là lẽ đương nhiên.

Còn khuyến nghị sửa đổi Điều 117, Bộ luật Hình sự (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Điều 331, Bộ luật Hình sự (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân) là những khuyến nghị thực sự vô lý mà Việt Nam không thể chấp thuận. Chúng ta biết rằng, Bộ luật Hình sự là do Quốc hội Việt Nam ban hành. Từng điều luật không chỉ là sự nghiên cứu, sự kế thừa, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các đại biểu Quốc hội mà còn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Do đó, việc Việt Nam không chấp nhận một khuyến nghị mang tính chất phá hoại, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội là điều đương nhiên.

Việt Nam nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, coi trọng Cơ chế UPR. Tuy nhiên, đối với các khuyến nghị có nguy cơ gây nguy hại đến an ninh quốc gia cũng như không phản ánh chính xác tình hình thực tế tại Việt Nam, đi ngược lợi ích của Việt Nam thì chúng ta cương quyết phủ nhận. Không một ai, một thế lực nào có thể can thiệp hay làm ảnh hưởng đến nguyên tắc bất di bất dịch ấy của Việt Nam.

PHƯƠNG LINH

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ