Bài 2: Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng đóng góp vào xây dựng dự thảo Luật Đất đai
QPTĐ-Nhờ quyết liệt trong triển khai thực hiện, đổi mới, sáng tạo trong cách làm, với phương châm: “Được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng”, nên các cơ quan, đơn vị của Bộ Tư lệnh đã phát huy được trí tuệ cán bộ, chiến sĩ trong tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau thời gian nửa tháng, đã có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp khá toàn diện, tâm huyết, xác đáng để hoàn chỉnh dự thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Chỉ huy phó Ban CHQS phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm: “Cần rút ngắn thời gian công bố quy hoạch sử dụng đất và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân”
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tôi thấy, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh “điểmnóng” dẫn tới khiếu kiện kéo dài. Cho nên, ý kiến của tôi đóng góp vào dự thảo là đề nghị rút ngắn thời hạn công bố công khai quy hoạch từ 30 ngày như trong dự thảo xuống còn 15 ngày để kịp thời triển khai, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt, phải thực hiện việc công bố công khai cho mọi người dân được biết đối với các dự án không khả thi, kém hiệu quả hoặc chậm thực hiện. Có như vậy, việc lập quy hoạch và sử dụng đất vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của Nhà nước mới hiệu quả.
Thượng tá Nguyễn Quốc Chương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Hoài Đức: “Cần quy định rõ điều kiện sống và thu nhập của người dân bị thu hồi đất sau khi được tái định cư”
Hoài Đức là huyện ngoại thành phía Tây Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 16km. Diện tích đất tự nhiên 84,93km2, dân số trên 270.000 người với 20 đơn vị hành chính cấp xã (19 xã, 01 thị trấn), là huyện có tốc độ phát triển nhanh về đô thị. Trên địa bàn huyện đang có nhiều dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 2 dự án của quốc gia và quốc phòng, an ninh, đó là: Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức với chiều dài khoảng 17,1km, đi qua 12 xã. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án khoảng 240ha, số hộ dân có đất thu hồi trên 6.000 hộ (trong đó, số hộ cần tái định cư là 115 hộ); số mộ phải di chuyển trên 4.000 ngôi. Theo Quyết định số 4369/QĐ-BQP, ngày 06/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng doanh trại quân đội tại xã An Thượng và xã Vân Côn, huyện Hoài Đức với tổng diện tích đất thu hồi trên 47 ha, số hộ dân có diện tích đất thu hồi 600 hộ, số mộ phải di chuyển 83 ngôi của 40 hộ dân. Hai dự án trên có diện tích đất thu hồi lớn, số mộ phải di chuyển nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đang gặp khó khăn nhất định về giá đền bù còn thấp so với thị trường, bố trí đất tái định cư cho Vành đai 4 phải chờ chấp thuận của Thành phố, việc di chuyển mộ và mở rộng nghĩa trang còn gặp khó khăn.
Vì vậy, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của huyện Hoài Đức nói riêng và của Thành phố nói chung là một trong những nội dung thường có nhiều vướng mắc phát sinh, kéo dài mà chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện. Qua nghiên cứu, tôi rất tâm đắc với Điều 107 của Dự thảo Luật quy định, người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư; ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có công với cách mạng. Theo tôi đây là quy định phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, khuyến khích để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Còn về nguyên tắc bồi thường đất, tại Khoản 2, Điều 89 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định, khi nhà nước thu hồi đất, phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Vậy tôi đề nghị, Luật cần làm rõ nội dung đảm bảo ổn định cuộc sống và điều kiện nơi ở mới tốt hơn là như thế nào? Ví như có đủ hạ tầng cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt, tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không? Bởi vì qua nghiên cứu, tôi không thấy có nội dung quy định là xác định thu nhập trước và sau khi bị thu hồi. Hơn nữa là điều kiện sống thì cũng chưa đưa ra tiêu chí xác định cụ thể là trong điều kiện sống phải như thế nào. Cho nên, tôi đề nghị nên chỉnh sửa sao cho phù hợp, trong đó có quy định cụ thể hơn về bồi thường, tái định cư, thu hồi đất sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện Hoài Đức triển khai các dự án bảo đảm đúng tiến độ, cũng như tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Đại tá Nguyễn Thế Duẩn, Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: “Quy hoạch đất phải bảo đảm cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho các đơn vị quân đội”
Theo Luật Quy hoạch 2017, Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng là một trong các Quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Quốc phòng lập, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất cho mục đích quốc phòng của các cơ quan, đơn vị quân đội nhằm bảo đảm quỹ đất để triển khai xây dựng các công trình, dự án phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Do vậy, để đổi mới, nâng cao công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng nói chung và của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói riêng, tôi đề nghị: Công tác quy hoạch phải giữ nguyên tắc bảo đảm cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các đơn vị quân đội; liên kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác và khả năng bảo đảm quỹ đất của địa phương. Lập quy hoạch phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tiềm lực kinh tế và gắn với các quy hoạch khác của địa phương; quy hoạch phải gắn liền với kế hoạch bởi kế hoạch là việc xác định biện pháp, thời gian sử dụng đất theo quy hoạch. Hiện nay, công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng còn chậm so với thực tế triển khai các công trình, dự án quốc phòng, khó khăn cho các đơn vị triển khai theo yêu cầu nhiệm vụ.
Riêng đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, với đặc thù địa bàn rộng, địa hình đa dạng, thì công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng hết sức linh hoạt giữa nhu cầu sử dụng đất để triển khai công trình, dự án quốc phòng có sử dụng đất với phương án; tích hợp liên thông với quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ của Thành phố nhằm bảo đảm quỹ đất trước mắt và lâu dài cho xây dựng các công trình phòng thủ của Thành phố, xây dựng kho cất chứa VKTB cấp chiến dịch, xây dựng doanh trại, trụ sở làm việc cho các đơn vị để nâng cao điều kiện sinh hoạt, học tập, huấn luyện cho bộ đội; đồng thời chủ động rà soát các công trình dân sinh có tính lưỡng dụng từ thời bình, bảo đảm các điều kiện để có thể sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống chiến tranh, hạn chế việc lấy đất xây dựng công trình quốc phòng nhất là với địa bàn đô thị tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại tá Phùng Chí Cao, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: “Quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích giữa đất quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế là hoàn toàn phù hợp”
Những năm gần đây thực tế cho thấy, việc sử dụng đất đa mục đích khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực như: Đất nông nghiệp kết hợp du lịch, thương mại; đất ở kết hợp y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ví dụ như: Các tòa nhà chung cư bố trí một số tầng cho kinh doanh siêu thị, y tế, giáo dục... việc sử dụng kết hợp đa mục đích đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn cho người được nhà nước giao đất. Đối với đất quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, các khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đất quốc phòng ngoài việc trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu như xây dựng trụ sở làm việc, ga, cảng, căn cứ quân sự… Đất quốc phòng đưa vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ nét nhất về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội tại các khu kinh tế quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia... qua đó mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh tạo nên thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và nhà nước ta đối với quân đội: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất đã được cụ thể hóa trong các quy định của Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2003.
Nên theo tôi, đất đai giao cho quân đội vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vừa là tư liệu sản xuất thiết yếu, cơ sở quan trọng để quân đội tham gia lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực cả về kinh tế và quốc phòng là phù hợp. Cho nên, tôi đồng tình nhất trí cao như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích giữa đất quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước, cũng như nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức được nhà nước giao đất.