A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam trở thành điểm đến an ninh lương thực của các quốc gia

QPTĐ-Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường nhưng xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp vẫn đạt được các kết quả nổi bật trong năm 2023. Giá trị xuất khẩu ngành Nông nghiệp đạt hơn 53 tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Từ những kết quả đạt được có thể thấy ngành Nông nghiệp đã thích ứng nhanh chóng, các cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân phản ứng linh hoạt trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất  thế giới. 

Ảnh: Internet

Mặc dù ở một số lĩnh vực của ngành như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi ở những thời điểm nhất định còn có những khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách linh hoạt mở cửa thị trường, liên tục có những cuộc xúc tiến, hội nghị trực tuyến giữa các nước, các thị trường lớn, sự hỗ trợ các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nên về cơ bản những tiềm năng của ngành Nông nghiệp được phát triển.

Việt Nam trở thành điểm đến an ninh lương thực của các quốc gia. Khó khăn về an ninh lương thực khiến một số quốc gia có ngành hàng lúa gạo phát triển như Ấn Độ buộc phải đóng cửa để bảo đảm an ninh lương thực thì Việt Nam vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước vừa tham gia được thị trường lúa gạo của toàn cầu. Thông qua đó, thêm một lần nữa khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

Nông nghiệp tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh vẫn là nhiệm vụ căn bản và khẩn cấp để tăng cường an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ở khu vực này. Tăng trưởng xanh gắn với các sáng kiến kinh tế bình đẳng và phổ quát trong phát triển ở từng quốc gia, tiểu khu vực và khu vực. Mô hình phát triển tiêu dùng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay phải được thay thế bằng mô hình tăng trưởng xanh, đặc biệt trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước ba mối đe dọa lớn là giá nhiên liệu và giá lương thực tăng cao cũng như các thảm họa thiên nhiên bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương này cũng là nơi dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các thảm họa thiên nhiên với số người bị tác động của các thảm họa này cao gấp bốn lần châu Phi và 25 lần châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Tăng trưởng xanh phải là một trong những chiến lược phát triển bền vững không chỉ vì các điều kiện sinh thái mà còn là nhu cầu cấp thiết để tăng cường sức bật của nền kinh tế chống lại những biến động khôn lường của giá lương thực, giá nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của các nước châu Á-Thái Bình Dương hiện nay vẫn thấp, cải thiện hiệu quả sản xuất và tiêu dùng sẽ tạo cho khu vực một động lực tăng trưởng mới.

Ngày 20/12/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về Tiêu chuẩn xanh cho ngành Lương thực, thực phẩm (ESG). Đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp. Ba khía cạnh “môi trường-xã hội-quản trị” của ESG là trọng tâm của đầu tư bền vững.

Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Hiện tại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG. Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.

Nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Những sản phẩm OCOP, đằng sau chứng nhận sản phẩm đó chính là sự tích hợp đa giá trị. Nông dân không còn bán thô nữa mà đã tích hợp những tài nguyên bản địa tạo ra được những dòng sản phẩm mới. Theo ước tính, hiện nay khâu sản xuất thô chỉ chiếm gần 15% giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, còn khoảng 85% giá trị nằm lại ở những khâu sau thu hoạch. Đó không chỉ là giá trị gia tăng từ khâu chế biến, mà trong mỗi sản phẩm nông nghiệp còn ẩn chứa nhiều giá trị chưa được đánh thức.

Thực tiễn đã cho thấy, nhờ xây dựng được thương hiệu và gia tăng giá trị nên lúa gạo Việt Nam đã từng bước khẳng định được chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia. Câu chuyện thành công của ngành Lúa gạo nói chung, của xuất khẩu gạo nói riêng năm 2023 với tổng khối lượng chỉ tăng 22,2% nhưng tăng tới 34,7% về giá trị đã cho thấy Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thực sự đi vào cuộc sống. Ở nhiều địa phương từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến Đồng bằng Bắc bộ hay các tỉnh Tây Bắc đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Đặc biệt, ở nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con đã từng bước khai thác được những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.

Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh thì nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.

Có thể thấy sức sống của ngành Nông nghiệp còn có dư địa rất nhiều, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất sẽ tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Đó là cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành Nông nghiệp vững vàng, một nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên và những nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hệ sinh thái. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam trở thành điểm đến về an ninh lương thực của các quốc gia.

SONG HÀ

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ