A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2023: Xuất khẩu giảm nhưng đã có dấu hiệu tích cực

QPTĐ-Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Lạm phát đã hạ nhiệt, song vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim, linh kiện điện tử tăng trưởng mạnh năm 2023 đạt 7.3 tỷ USD. 

Ảnh: Internet

Xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam giảm 4,4% so năm 2022 xuống còn 355,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%. So với thời điểm đầu năm 2023 khi kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ở mức hai con số, con số này thể hiện sự hồi phục ngoạn mục, đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Dù kim ngạch xuất khẩu cả năm chưa đạt mục tiêu đặt ra, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh phải đối diện với hàng loạt khó khăn.

Điểm sáng từ ngành hàng nông nghiệp

Trong một năm đầy những khó khăn và biến động, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đạt kim ngạch xuất khẩu 53,01 tỷ USD, xấp xỉ mức kỷ lục năm 2022, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng đạt tỷ USD có sự tăng trưởng ấn tượng như: Rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sắn và các sản phẩm từ sắn. Các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng và là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, nhất là các nhóm hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Riêng xuất khẩu gỗ và lâm sản và thủy sản dù tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn khi lần lượt đạt 13,4 tỷ USD và 9,2 tỷ USD, nhưng năm 2023 đều suy giảm đáng kể.

Gạo ST 25 tiếp tục được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9 của Tập đoàn Lộc Trời; gạo TBR39, TBR39-1 của Tập đoàn Thái Bình Seed cũng thắng giải ở cuộc thi này. Điều này cho thấy, gạo Việt Nam hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với những cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới về cả chất lượng và giá trị.

Gạo là một trong những nhóm ngành hàng điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD. Với đà này, các chuyên gia ước tính, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ năm 1989, thời điểm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo tới nay.

Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu

Mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu thành công trong năm 2023 bao gồm: Sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim, phương tiện vận tải và phụ tùng. Các mặt hàng dầu thô, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, cao su, sản phẩm từ cao su, túi xách, xơ sợi, hàng dệt may, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và dây cáp điện. Trong đó, 7 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tới 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Điều đáng quan tâm là xuất khẩu những nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong bối cảnh hoạt động công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,3%.

Có hai nguyên nhân giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí đầu tàu dẫn dắt trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thứ nhất, đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%.

Thứ hai, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, ước chiếm 88,4% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu ước chỉ chiếm 5,7%. Vì vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2024, nền kinh tế được nhận định sẽ tiếp tục phục hồi và cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá sẽ mở rộng. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường ngày càng siết chặt những quy định về tiêu chuẩn chất lượng. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn. Một số quốc gia đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất của nước mình. Do đó, để xuất nhập khẩu thực sự mang lại hiệu quả tích cực nhất cho nền kinh tế, thì cần phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao.

SONG HÀ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ