A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm giá trị nông sản của Việt Nam

QPTĐ- Những năm vừa qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả giữa các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ, xây dựng mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP đã góp phần giúp thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng được mở rộng.

Thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui được ưa thích tại Hội chợ OCOP Đông Bắc.

                                                         (Ảnh: Internet)

Việt Nam có thế mạnh về vị trí địa lý khi nhận được ưu ái từ thiên nhiên để phát triển các loại nông sản và nằm cạnh một thị trường tiêu thụ rau quả lớn như Trung Quốc. Trong đó, vai trò của Bộ Nông nghiệp Việt Nam đang được đề cao để truyền tải kiến thức và kỹ thuật cho người nông dân áp dụng trong các hoạt động trồng trọt, sản xuất và ghi chép nhật ký, sổ sách nhằm đảm bảo rau quả xuất khẩu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, mở rộng hơn các hoạt động xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc và các thị trường tiêu thụ ở các quốc gia châu Âu.

Bức tranh nông sản Việt Nam

Sở hữu lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản với sự phong phú, chất lượng và mang tính đặc sản của các loại rau quả. Năm 2023, ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 tỷ USD. Kết thúc quý III/2023, nhiều ngành hàng nông sản đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; nhiều ngành hàng có cơ hội tăng tốc nhanh trong quý IV/2023.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Mỹ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%. Từ sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu của một số ngành hàng đã tạo động lực cho sản xuất trong nước. Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn ha lúa, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng năng suất bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha nên sản lượng thu hoạch vẫn tăng 1,4%, đạt 33,6 triệu tấn. Đây chính là nguồn cung gạo hàng hóa dồi dào cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà-phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%. Nhóm sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%. Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính có mức tăng khá cao như: Giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn), giá cà-phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%. Từ cuối tháng 7/2023, giá gạo xuất khẩu trên thế giới liên tục biến động ở mức cao, khan hiếm hàng hóa, nhưng Việt Nam vẫn cung ứng đủ lượng gạo cho các hợp đồng xuất khẩu và tiêu dùng, dự trữ trong nước. Cục Trồng trọt đang theo dõi sát tình hình thời tiết để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông năm 2023 để gia tăng sản lượng lúa cả nước.

Đối với ngành Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và tăng nhẹ 16 triệu USD so với tháng trước. Hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong tháng 9, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương trong hai tháng trở lại đây. Một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Canada đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra cũng đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ... Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang tốp 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã vượt mốc 1 tỷ USD, lần lượt đạt 1,2 tỷ USD, 1,15 tỷ USD và gần 1,1 tỷ USD.

Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nông sản Việt Nam khẳng định vị thế, dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Ngoài chất lượng, cần đầu tư về bao bì, nhãn mác. Công nghệ sau thu hoạch cũng cần phải được quan tâm. Cùng với công nghệ bảo quản thì chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cũng phải được đầu tư.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị: “Nhà nước cần quy hoạch lại vùng trồng, nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh cung vượt cầu. Hàng Việt Nam sẽ có chỗ đứng nếu tận dụng các ưu thế riêng”. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” hay còn gọi là OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Từ đó “thương hiệu” OCOP đã trở thành người bạn đồng hành của người nông dân, góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành Du lịch.

Nhằm nâng cao giá trị nông sản trong thời gian tới, PGS.TS.Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” ngày 12/9/2023 cho rằng: Tỉnh Vĩnh Long cần phải có chiến lược về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp, xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại; hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các “vệ tinh”. Phải đa dạng hóa sản phẩm, một nền nông nghiệp đầy tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm chính, sản phẩm thô. Ví dụ, cây lúa để làm ra 1kg thóc còn có rơm rạ, trấu, cám cũng có rất nhiều giá trị so với cây lúa.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ