Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số
QPTĐ- Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa với 54 dân tộc anh em. Vì vậy, giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta.
Việt Nam ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền của người dân tộc thiểu số.
Những luận điệu xuyên tạc
Trong những năm qua, tuyệt đại đa số đồng bào các dân tộc Việt Nam sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển. Sự phân bố đan xen giữa các dân tộc trên các địa bàn tạo nên sự giao lưu, trao đổi, hòa nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, làm phong phú thêm truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thống nhất trong sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Song, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi còn có sự chênh lệch. Đặc biệt, các cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ hội, là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các tổ chức phản động và các đối tượng xấu ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng sử dụng các thủ đoạn để chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước hòng gây sự hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào. Trong đó, chúng tích cực truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc, mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá, tập trung vào các địa bàn chiến lược, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Đặc biệt, ở khu vực Tây Nguyên, chúng tìm mọi cách vừa tuyên truyền xuyên tạc, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình. Lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”. Trên phương diện quốc tế, chúng triệt để lợi dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để tuyên truyền xuyên tạc. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi Mỹ, Liên hiệp quốc can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, một số tổ chức khủng bố ở nước ngoài, trong đó có “Việt Tân”, “Nhóm Hỗ trợ người Thượng” (MSGI), “Người Thượng vì công lý” (MSFJ) không ngừng móc nối với những phần tử phản động trong nước, lôi kéo người dân tộc thiểu số sử dụng bạo lực, tiến hành khủng bố, kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang đòi ly khai, tự trị, thành lập nhà nước riêng. Trên thực tế, tháng 6 năm 2023, chúng đã tổ chức tấn công Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
Từ thực tiễn trên, việc chủ động đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, cần được tiến hành bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số.
Bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số
Đường lối xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề này là bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Đặc biệt, từ khi gia nhập Công ước CERD, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Về mặt pháp lý, quyền bình đẳng các dân tộc được Hiến pháp-văn bản pháp luật cao nhất của quốc gia ghi nhận. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc... Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Trong thực tiễn, Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đặt người dân tộc thiểu số là nhóm hưởng lợi chính. Các Chương trình, chính sách dân tộc hướng đến nhiều lĩnh vực như: Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng; phát triển giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm. Các quy định luật pháp và chính sách đặc thù của Việt Nam đã giúp người dân tộc thiểu số tiếp cận địa điểm dịch vụ một cách thuận lợi và đầy đủ hơn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư phát triển, như 98,6% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện thường xuyên, 93,5% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh trong cả nước đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Việt Nam cũng đã triển khai các hoạt động, nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu gắn với các dân tộc thiểu số tại Việt Nam; xây dựng, triển khai một số đề án, dự án quan trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, Việt Nam tích cực triển khai công tác xây dựng hồ sơ trình UNESCO và phục vụ cho Kế hoạch hành động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việt Nam đã đưa tiếng dân tộc thiểu số vào Chương trình giáo dục phổ thông (Ba Na, Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Khmer, Mông) và dạy thực nghiệm các tiếng dân tộc thiểu số khác (gồm Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Ko...). Hiện đang có 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy và học tiếng dân tộc trong trường phổ thông. Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng. Người dân tộc thiểu số được theo dõi Chương trình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với văn hóa của từng vùng miền; riêng Kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất, phát sóng 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số.
Chức sắc, chức việc, người tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo trong đó có người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại văn bản về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tín đồ tôn giáo người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế, nhiều chư tăng, Phật học tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ…
Kết quả là, diện mạo và không gian sống của đồng bào đã được khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện và nâng cao. Các dân tộc bình đẳng, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, để tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam phát triển bền vững, cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TRẦN PHƯƠNG THẢO