A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An ninh con người và mối liên hệ với quyền con người ở Việt Nam

Bài 3: An ninh sức khỏe- Việt Nam ngôi sao sáng 

 

QPTĐ-An ninh sức khỏe là một trong những nhân tố quan trọng và trực tiếp nhất của an ninh con người. Quan niệm “sức khỏe là vốn quý nhất của con người” đã trở nên phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới. Ngày nay, vấn đề an ninh sức khỏe con người tuy có những thành tựu vượt bậc nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi căn bản nhận thức của con người về vấn đề an ninh sức khỏe. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được ví như ngôi sao sáng trong việc bảo đảm sức khỏe người dân.

Việt Nam là ngôi sao sáng trong đại dịch Covid-19.

sức khỏe đối diện nhiều thách thức

Trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu thuộc lĩnh vực an ninh sức khỏe như việc tăng tuổi thọ trung bình; ngăn chặn và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm; khả năng điều trị bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là phát triển hệ thống y tế cộng đồng. Nhờ vào những tiến bộ khoa học-công nghệ, hệ thống nước sạch và xử lý nước thải; vắc-xin, thuốc kháng sinh được sản xuất, lưu trữ và phân phối; thực phẩm dễ hư hỏng được bảo quản, tiệt trùng trở nên phổ biến. Những thành tựu đó tưởng chừng an ninh sức khỏe không còn là thách thức đối với con người.

Tuy nhiên, khi đại dịch HIV/AIDS diễn ra và sự bùng nổ của các tác nhân gây bệnh mới nổi ngày càng nhiều; việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cũng rất khó khăn và đôi khi nguy hiểm; sự phát triển chóng mặt của thương mại và du lịch hóa toàn cầu đã làm cho các tác nhân gây bệnh có thể lây lan một cách nhanh chóng đến nhiều nơi trên thế giới; mối đe dọa của sự đề kháng thuốc kháng sinh… đã làm thay đổi quan điểm của thế giới về khả năng chế ngự và điều trị thành công nhiều bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng con người.

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003; đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009; dịch tả ở Haiti (2010), hội chứng hô hấp MERS-CoV ở Trung Đông và Hàn Quốc (2012), chikungunya (2013) và Zika (2015) ở châu Mỹ, sốt vàng ở châu Phi (2015-2016) và ở Nam Mỹ (2016-2017), và dịch tả ở Yemen (2017) là những "minh chứng sống động" cho thấy thế giới vẫn chưa kịp chuẩn bị cho các tình trạng khẩn cấp về vấn đề an ninh sức khỏe toàn cầu.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang để lại những hậu quả nặng nề ở tất cả các lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu. Đó là thiệt hại về sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, tình trạng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, việc truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và thuyết âm mưu về virus. Đại dịch Covid-19 dẫn thiếu nguồn cung, xuất phát từ việc sử dụng thiết bị gia tăng trên toàn cầu để chống dịch, mua tích trữ và hoạt động nhà máy và hậu cần gián đoạn do dịch. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế do nhu cầu của người tiêu dùng và nhà cung cấp tăng lên. Trong đại dịch, du lịch và hàng không là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất. 

Trong một cuốn sách viết về tương lai con người, tác giả Yuval Noah Harari cho rằng, nhân loại đã qua thời kỳ phải lo lắng về các dịch bệnh. Với những tiến bộ trong khoa học, y học, việc khống chế các dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian chứ không còn là mối đe dọa toàn cầu. Nhưng trước đại dịch Covid-19, có lẽ Harari phải xem xét lại nhận định trên. Covid-19 thực sự là vấn đề thách thức an ninh sức khỏe toàn cầu.

Việt Nam-Ngôi sao sáng

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm sức khỏe người dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Y tế dự phòng được tăng cường, cơ bản không để dịch bệnh lớn xảy ra. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp; năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng lên; y tế cơ sở được chú trọng. Nhiều bệnh viện công lập được thực hiện tự chủ. Công nghiệp dược phát triển nhanh, năng lực sản xuất thuốc trong nước có nhiều tiến bộ. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 74% mặt hàng, đáp ứng được trên 50% về lượng và 40% về giá trị; đã sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo; đã sản xuất được 11/12 loại vắc-xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương và tuyến cuối từng bước được khắc phục. 

Tuổi thọ trung bình người dân Việt Nam tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020. Số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 7,2 bác sĩ năm 2010 lên khoảng 9 bác sĩ năm 2020. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 21,9 giường năm 2010 lên 28 giường năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra. Việt Nam có sự thay đổi căn bản về bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7%  vào năm 2020. Mức sinh thay thế được duy trì, chất lượng dân số được cải thiện. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục và tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan truyền thông, tổ chức quốc tế không tin, với nguồn lực hạn chế, Việt Nam có thể khống chế được đại dịch. Họ điều tra, tìm hiểu và cuối cùng công nhận một sự thật hiển nhiên: Việt Nam là ngôi sao sáng, là hình mẫu trong cuộc chiến với Covid-19. Các cơ quan truyền thông, tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều lý do để giải thích cho sự thành công của Việt Nam nhưng có một điều chắc chắn, đó là: Một đất nước trong cơn hoạn nạn đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xung quanh Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chống dịch; một đất nước trong cơn hoạn nạn không một ai bị bỏ lại phía sau; một đất nước mà quyền cao nhất của con người là được sống, được bảo vệ mạng sống... sẽ chiến thắng trong đại dịch Covid-19. Thành công trong phòng, chống Covid-19 một lần nữa khẳng định những bước tiến vững chắc của Việt Nam trong vấn đề bảo đảm an ninh sức khỏe cho người dân.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ