A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An ninh con người và mối liên hệ với quyền con người ở Việt Nam

Bài 2: An ninh lương thực-Dấu ấn Việt Nam

 

QPTĐ-An ninh lương thực là 1 trong thành tố của an ninh con người. Đó là tình trạng khi tất cả mọi người lúc nào cũng tiếp cận được về mặt vật lý, xã hội và kinh tế đối với nguồn lương thực đầy đủ, an toàn và đảm bảo dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu bữa ăn và sở thích đối với thức ăn nhằm đảm bảo một cuộc sống năng động và khoẻ mạnh. Hay nói cách khác, an ninh lương thực là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người. Với cách đặt vấn đề như vậy, không quá khi nói Việt Nam là một kỳ tích trong bảo đảm an ninh lương thực. Từ một nước nghèo, thiếu ăn, kết cấu hạ tầng kinh tế lạc hậu, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Thách thức an ninh lương thực toàn cầu

Trong thời gian gần đây, trước xu hướng toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, an ninh lương thực lại càng trở thành vấn đề nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu. Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 2019, có 135 triệu người thuộc 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, tình trạng thiếu lương thực. Xung đột vũ trang, chiến tranh làm cuộc sống đảo lộn, đẩy con người vào tình trạng “màn trời, chiếu đất”, bỏ ruộng đồng, ly quê, tha hương, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ... Xung đột vũ trang, chiến tranh làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ lương thực, các sản phẩm từ lương thực và cản trở hoạt động nhân đạo, cứu trợ lương thực. Các vùng, đất nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh trở thành “ốc đảo” của đói rét, bệnh tật, ốm đau, chết chóc, chia rẽ, thù hận. Biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói, thiếu lương thực. Tình trạng “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa biên giới, hạn chế xuất khẩu lương thực đẩy các nước, khu vực đã đói kém càng đói kém hơn. Sự cộng hưởng giữa xung đột vũ trang, chiến tranh với biến đổi khí hậu thiên tai, thảm họa, dịch bệnh càng làm trầm trọng hơn nạn đói, tình trạng thiếu lương thực. Ở chiều ngược lại, nạn đói, tình trạng thiếu lương lại đẩy nhiều người vào tình trạng tuyệt vọng, kích động bạo lực, xung đột sắc tộc, cộng đồng bùng phát mạnh mẽ, trở thành chiến tranh.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người năm 2020. WFP đã xác định được 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do Covid-19, trong đó, Ethiopia, Nigeria và Mozambique là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi. Thêm vào đó, có đến 350 triệu trẻ em trong tổng số 1,5 tỷ trẻ em trên toàn cầu đang phải dựa vào bữa ăn được cung cấp trong các trường học để tránh cơn đói.

Theo các chuyên gia, có 4 thách thức lớn về an ninh lương thực đối với các quốc gia trong thời kỳ Covid-19, đó là: Các gia đình sẽ có ít thu nhập hơn, trong khi giá thực phẩm lại không ngừng leo thang; công tác vận chuyển thực phẩm trở nên khó khăn, tốn thời gian và đắt đỏ hơn; chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp toàn cầu bị gián đoạn và các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm trên thị trường trở nên khan hiếm hơn, khi các loại hàng hóa này bị tắc nghẽn tại các cảng biển và cửa khẩu.

Dấu ấn Việt Nam và “ngoại giao lương thực”

Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng Việt Nam luôn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Có thể kể đến, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 2009-2019 duy trì ở mức khá, đạt 2,61%/năm, sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường. Trên lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất tăng 2,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,99%/năm; đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất tăng 5,2%/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng 35,8% so với năm 2009. Với thủy sản, giá trị sản xuất tăng 3,91%/năm; sản lượng thuỷ sản tăng từ 4,85 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn năm 2019.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu khoa học-công nghệ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, giải quyết bức xúc thực tiễn. Đặc biệt, về xuất khẩu lương thực, triển khai Đề án “Thương hiệu gạo Việt Nam” và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; thị trường xuất khẩu lúa gạo không ngừng mở rộng, chuyển mạnh sang chính ngạch. Năm 2018 được xem là cột mốc quan trọng với mức xuất khẩu 6,16 triệu tấn, giá trị 3,06 tỷ USD. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường đa dạng, chủng loại chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Trong giai đoạn 2009-2019, sản lượng lúa của nước ta tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này.

Không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong nước, với những thành tựu nổi bật trong sản xuất, Việt Nam có điều kiện để đóng góp vào chương trình bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tiêu biểu là mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, FAO và nước đối tác ở châu Phi về trồng lúa. Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo cho một số nước châu Phi; không chỉ hỗ trợ người dân bị đói nghèo bớt khó khăn hiện tại mà còn tạo cho họ biết cách lo cho cuộc sống tương lai. Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp ổn định lúa gạo, hỗ trợ lương thực cứu đói cho các nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, thiên tai thảm họa, dịch bệnh; giúp đỡ phát triển trồng cây lương thực ở các vùng khó khăn, chậm phát triển ở châu Phi, châu Á, theo các chương trình của Liên hợp quốc.

Việc sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các nước trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện tốt vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ