A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực 

 

QPTĐ-Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".    

Đại tá Nguyễn Khắc Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao quà cho đối tượng chính sách tiêu biểu xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

Ngày Thương binh-Liệt sĩ

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Để kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ, đồng bào đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường… Song để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Ngày 19/12/1946, Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và chết tăng lên nhanh chóng do sự chênh lệch về trang thiết bị, vũ khí và chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do tình cảnh khó khăn của Chính phủ Việt Nam bấy giờ. Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/8/1947 Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Để chỉ đạo công tác thương binh, tử sĩ trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục, Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp do Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức. Nội dung, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh-Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày thương binh-Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh-Liệt sĩ” của cả nước.

 Những hoạt động ý nghĩa của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở văn bản, hướng dẫn của trên đã ban hành đồng bộ các văn bản về hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; phối hợp khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc, tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn; tổ chức các đoàn cán bộ thăm, viếng các nghĩa trang liệt sĩ tiêu biểu của quốc gia; tổ chức gặp mặt các thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác, nghỉ chờ hưu thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội…

Cụ thể, trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bộ Tư lệnh đã tổ chức 75 điểm khám bệnh, cấp thuốc cho 12.379  đối tượng chính sách, với số tiền gần 2,2 tỷ đồng; tặng 523 suất quà, với số tiền hơn 420 triệu đồng; gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác chờ hưu thuộc Bộ Tư lệnh, tặng 45 suất quà, trị giá 90 triệu đồng. Ngoài ra còn thăm, tặng quà cho các Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành, Bắc Ninh và các đồng chí nguyên Thủ trưởng của Quân khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh và 2 Bộ CHQS: Hà Nội, Hà Tây với số tiền gần 72 triệu đồng… Cùng với đó còn chuyển quà của Bộ Quốc Phòng đến các thương binh, thân nhân chủ yếu của liệt sĩ; các Trung tâm Điều dưỡng; Mẹ Việt Nam Anh hùng; giải quyết các chế độ chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ cho 1.763 đối tượng, với số tiền gần 5,5 tỷ đồng…

Đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam luôn được chú trọng "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", 75 năm qua rất nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Bộ Tư lệnh nói riêng và Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm. Những hoạt động đó không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm mà còn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của mọi cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ