A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Trì: Vùng đất giàu truyền thống

QPTĐ- Ngày 31/5/1961, theo Quyết định số 78/CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Thanh Trì được lập mới trên cơ sở hợp nhất huyện Thanh Trì cũ và quận VII cũ. Hiện nay, toàn huyện có 15 xã, thị trấn, diện tích đất tự nhiên 6.349 ha, dân số trên 27 vạn người.

Thanh Trì đang nỗ lực phấn đấu phát triển thành quận.

Thanh Trì tự hào là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Đây là quê hương của Phạm Tu-danh tướng có công lớn giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi nhà Lương xâm lược, lập nên nước Vạn Xuân; Chu Văn An, nhà giáo lỗi lạc thời Trần, danh nhân văn hóa thế giới; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thượng thư Bộ Lại thời Hậu Lê; danh nhân Ngô Thì Nhậm-triều Tây Sơn...Dưới các triều đại phong kiến, trên mảnh đất này xuất hiện các làng khoa bảng nổi tiếng như: Làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng), có 11 người đỗ đại khoa, 30 người đỗ trung khoa; làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai) có 12 người đỗ đại khoa, 59 người đỗ trung khoa. Đây là 2 trong số 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước. Thanh Trì là quê hương của các đồng chí: Đỗ Mười- Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đỗ Ngọc Du-Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên; Vương Thừa Vũ-Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội…

Thanh Trì là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Tháng 5/1930, Chi bộ Đông Phù-Chi bộ Cộng sản đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội được thành lập tại xã Đông Mỹ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện đã kiên cường chiến đấu, chống địch càn quét, uy hiếp, chiếm đóng để giữ vững cơ sở, bảo vệ lực lượng kháng chiến. Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 2000, huyện vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền huyện lãnh đạo nhân dân tích cực sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa thực hiện chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Toàn huyện có 1.938 liệt sĩ, 856 thương binh, 5 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 143 “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 119 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương và Bằng khen các loại…

Sau 37 năm đổi mới (1986-2023), huyện Thanh Trì đã phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều khu đô thị mới ra đời trên địa bàn như: Linh Đàm, Định Công, Đại Thanh, Pháp Vân-Tứ Hiệp, Tứ Hiệp-Ngũ Hiệp… Các khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi... được hình thành. Tổng giá trị sản xuất hằng năm giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,2%/năm, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm. Các xã đã quan tâm đầu tư hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, các công trình nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông… góp phần phục vụ tốt cho đời sống nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, quân sự được củng cố, tăng cường. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Với những thành tựu trong công cuộc đổi mới, năm 2003, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch).

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong tổ chức và điều hành; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy các nguồn lực, khai thác hiệu quả các nguồn thu đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, tiến tới tự cân đối thu, chi ngân sách. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 13,2%/năm; thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm; huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thành phố...

Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập huyện Thanh Trì, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 đề ra, phấn đấu sớm xây dựng huyện trở thành quận giàu đẹp, văn minh.

Đức Trọng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ